Tôi là Hachiko

GD&TĐ - Đối với tôi khi ấy, đó là người cha thứ hai, khác hẳn người cha ruột đang lang thang đâu đó ngoài kia. Với suy nghĩ của một sinh vật nhỏ nhắn vừa sinh ra, tôi thiếp đi trong vòng tay ấm áp của giáo sư. 

Tôi là Hachiko

1.Trước khi tôi nhắm mắt, giáo sư chỉ nói nhỏ một câu: “Ngủ đi Ha chi” Và đó trở thành tên tôi sau này theo gốc tiếng Nhật ngoài cái tên Bạch vợ ông thường gọi.

Tôi sinh ra trong một buổi sáng mùa đông giá rét, pha chút mùi hương của lúa vàng và bếp lửa. Không nhớ mẹ là ai nhưng tôi nhớ người đầu tiên ẵm tôi là giáo sư Hải, cũng là chủ nhân của tôi. Ông quấn khăn quanh cho làn da mới sinh của tôi. Lúc ấy, chưa nhìn rõ giáo sư như thế nào, tôi chỉ biết cảm nhận theo cử chỉ nhẹ nhàng chừng mực của ông.

Một thời gian sau, tôi nhìn rõ mọi thứ và bắt đầu tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Dưới sự huấn luyện tận tình của giáo sư, tôi sớm chạy nhảy như bao con cún đồng trang lứa khác.

Tôi nhận ra chủ nhân của mình là người tốt bụng, hiền từ. Ông khoảng bốn mươi tuổi, đeo kính tròn với những nếp nhăn ôn hậu khiến vẻ ngoài trông rất dễ gần. Cùng với vợ và con gái nhỏ của ông, chúng tôi sống trong những ngày tháng yên bình ở một trang trại gần thành phố, cách ga tàu hỏa không xa, theo tôi biết thì là vậy.

Cả gia đình chúng tôi sống rất hạnh phúc, “chị gái” tôi khi nào cũng nhắc giáo sư cho tôi ăn mỗi khi ông vùi đầu trong đống giáo án tại trường mà lỡ quên. Tôi cũng vui vẻ xử sự lại như nợ tình trả nghĩa. Tôi cho chị cưỡi lên. Khi chị và tôi chỉ tầm ba, bốn tuổi thì nom có vẻ tôi sung sức lắm, giống như ngựa miền Tây! Nhưng lên sáu, bảy tuổi thì chị nặng như xe tải vậy nên tôi chuyển sang giúp chị vòi kem ăn, đương nhiên là chị tôi xơi hết.

“Mẹ” tôi là một người phụ nữ điềm đạm và biết làm mọi người trong nhà vui bằng những cách của riêng mình. Bà là một người vợ tốt và luôn quan tâm đến chồng. Tôi rất biết ơn những lần bà giúp giáo sư hoàn thành công việc để chơi đùa với tôi và chị gái. Nói chung, tuổi thơ tôi tràn ngập những tiếng cười khúc khích, vui vẻ yêu đời.

2. Chủ nhân là một người khá bận rộn. Ông đi làm tại một nơi nào đó ngoài tầm hiểu biết của tôi. Ông luôn mặc một chiếc áo khoác da cũ kĩ, đội chiếc mũ sọc và cầm một chiếc cặp nâu đen. Tôi đi theo tiễn ông mỗi ngày mặc cho thời tiết thế nào. Đối với tôi thì việc đưa tiễn chủ nhân là một việc thường ngày, không thể không làm được. Trước khi bước lên tàu hỏa của ga Shibuya, ông thường xoa đầu âu yếm:

- Hôm nay tao lại đi nha Ha chi! Tôi sủa ẳng để đáp lời.

- Mày nhớ ở nhà ngoan nha, đừng biếng ăn đó!

Tôi sủa ẳng lần nữa vâng lời.

- Mày nhớ tao không?

Tôi rên ư ử cuốn lấy chân ông, thật sự tôi chỉ muốn ở lại chơi với tôi thôi nhưng ông lại véo má tôi:

- Không được đâu con ơi, cha không được đưa con tới trường học, con biết rồi mà!

Nghe vậy tôi chấm dứt mơ mộng và liếm tay chủ nhân mình.

- Nhột quá Ha chi! - Ông xoa đầu tôi lần nữa - Tao biết mày sẽ ngoan mà, chiều về mày lại ra đón tao nha!

Và cứ thế, ông lên tàu và vẫy tay chào tôi cho đến khi tàu chuyển bánh, đi xa dần.

Tôi về nhà và nằm đợi đến ba giờ chiều sau khi ăn no, với tôi, việc chờ đợi chủ nhân là khoảng thời gian dài nhất trong cuộc đời 12 năm tuổi của mình. Mẹ tôi biết thế, chỉ đặt một bát nước và chải lông cho tôi để vơi đi bao nhớ nhung.

Đến chiều là khoảnh khắc mà tôi chờ đợi nhất để phóng ra cửa mà phi đến nhà ga. Đồng hồ điểm ba giờ chiều, đoàn tàu từ từ dừng lại và chủ nhân đi ra. Tôi vui mừng vẫy đuôi chồm lên ngay vào lòng ông. Ông phì cười âu yếm xoa đầu tôi:

- Mới có một ngày mà sao mày làm như bao thế kỉ vậy?

Tôi không kêu mà chỉ ư ử quấn lấy ông để bù đắp nỗi nhớ sau một ngày dài.

- Về nhà thôi nào Ha chi!

Chỉ đợi có vậy, tôi vẫy đuôi đi cùng ông về mái nhà thân thương.

3. Và rồi, vào một ngày mùa hạ nắng gắt, chủ nhân không về. Tôi vẫn thế, đợi hoài đợi mãi mà không thấy ông. Xung quanh hiu quạnh không một bóng người khi đêm xuống. Tôi bèn lủi thủi đi về. Vào nhà, tôi nghe thấy tiếng khóc nức nở của mẹ, bà đang ôm chị gái vào lòng và xoa đầu chị. Lúc ấy tôi không muốn làm phiền bà nên bước nhẹ nhàng về chuồng.

Trong nhà, tôi nghe thấy nhiều người đang nói chuyện với bà cùng những bài hát u buồn vang lên hòa vào màn đêm yên tĩnh. Hôm sau, như thường lệ, tôi ra ga lúc ba giờ chiều và ngồi đợi ông. Thế nhưng kết cục vẫn vậy. Đến đêm vẫn chẳng thấy chủ nhân đâu và lại lủi thủi đi về. Mẹ tôi đêm đấy ngồi lại chải lông cho tôi, giọng bà bùi ngùi:

- Ha chi ngoan quá nhỉ, biết đi chờ ông Hải cơ đấy!

Tôi ngỡ là bà khen tôi nên kêu ẳng trả lời. Bà nói tiếp:

- Ngoan quá, mày có muốn ăn gì không? - Bà lấy đĩa rồi đổ đầy thức ăn, giọng bà trìu mến và nhìn ra ngoài cửa sổ - Giờ mày không cần làm vậy nữa đâu, Hải… ông ấy không bao giờ về nữa.

Nói đến đây, bà bật khóc nhìn tôi. Tôi dừng ăn, đầu tôi đau nhói như bị hàng triệu con ong chích. Hai chi trước của tôi không thể giữ vững khiến tôi gục xuống, đôi mắt tôi nhìn vào mắt bà tìm kiếm sự thật. Bà xoa đầu tôi, dòng lệ rơi từ trên má rồi đến khóe môi:

- Hải, ông... mất rồi! Ngay khi đang dạy học!

Tôi thảng thốt chồm dậy, chạy ra ngoài mặc cho người phụ nữ đó kêu tôi quay lại. Tôi chạy mãi, chạy đến khi không còn sức nữa. Tôi không thể tin là ông ấy đã… Không! Chắc gì đó là sự thật, có lẽ mẹ chỉ lừa tôi, thực ra ông đang đi công tác xa! Đúng vậy, chỉ như mọi lần khi bà muốn thử lòng tôi thôi mà!

Và rồi, ngày nào cũng vậy, cứ ba giờ tôi lại đến trước ga chờ ông. Chờ không được thì đành về. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, ông ấy vẫn chưa về. Dần dà, mọi người chú ý đến tôi và rồi từ người làm vườn cũ của cha đến trưởng ga thay nhau đến chăm sóc tôi.

Hỡi người cha yêu dấu của con, nếu cha đang ở đâu đó ngoài kia, thì con thực sự rất nhớ cha. Hôm nay có một cô gái đến tìm con để hỏi thăm và cho con ăn thậm chí còn muốn cho con một mái nhà để sống an phận cuộc đời còn lại, nhưng điều đó chỉ càng làm con nhớ đến cha nhiều hơn. Con muốn người chăm sóc cho con phải là cha, chỉ có cha mà thôi. Nhiều lần con lầm tưởng cha với người khác và cái hiện thực ngỡ ngàng đó lại càng kéo con vào sự tuyệt vọng. Nhưng cha biết không, con không từ bỏ, vẫn sẽ ngồi đây, chờ đợi ngày cha trở về để có thể lao vào vòng tay cha như ngày nào.

Nhiều năm trôi qua, mặc cho tứ chi của tôi đã mỏi, đôi mắt đã mờ nhưng tôi vẫn lết cái thân già đi ra sân ga. Ngoài trời rét buốt khiến số người ở sân ga thưa đi nhiều, tôi vẫn liếc mắt tìm, tìm và tìm. Có lẽ mẹ tôi nói đúng, cha tôi mất lâu rồi, vì thế ông chẳng bao giờ trở về nữa. Còn tôi - một con chó già yếu ớt - vẫn ngồi chờ ở cái xó này, một mình và cô độc. Chẳng thể tin rằng suốt mười một năm trời, tôi vẫn không thể từ bỏ. Và tôi cũng nhận ra rằng: Nếu quá yêu một ai đó, thì khi chia xa, khoảng thời gian để quên họ gấp đôi khoảng thời gian mà ta ở bên họ. Đúng vậy, tình yêu với cha quá lớn, để rồi biến phần cuối cuộc đời tôi từ việc nằm bên bếp lửa thành nằm bên ga trong những buổi chiều buốt rét.

Bỗng có tiếng còi tàu hỏa cập bến, tôi không nhìn nữa, vì biết cha vẫn không về. Và tiếng bước chân ngày càng tới gần. Tiếng bước chân ấy rất quen, giống như...

- Mày đợi lâu không Ha chi ?

…“Cha?”. Tôi cố gắng đưa mắt nhìn lên người đàn ông đó, trong tim tôi như có một đốm lửa đã tắt từ lâu giờ bùng lên dữ dội. Cha vẫn vậy, không già đi. Vẫn ánh mắt âu yếm, vẫn những nếp nhăn ôn hậu, bộ quần áo cũ kĩ đó, tất cả vẫn như lần cuối tôi gặp ông. Cái lạnh, bệnh tật, mệt mỏi dường như tan biến. Không gì có thể ngăn tôi đứng bật dậy, lao thẳng vào lòng ông, đã quá lâu, quá lâu cho một cuộc đời dành cho việc chờ cha.

- Nào nào, chó ngoan, cho tao xin lỗi vì để mày chờ đợi suốt bấy lâu nay - Ông từ tốn xoa đầu tôi - Mày nhớ tao lắm à ?

Tôi chỉ sủa ẳng một tiếng rồi tiếp tục dúi mặt vào lòng ông. Thấy thế, ông nhìn thẳng vào mắt tôi hỏi:

- Ta có một nơi nữa cần đi đến, mày… có muốn đi cùng tao không Ha chi?

Tôi không nói, chỉ vẫy đuôi coi như đồng ý. Đã từ lâu rồi, tôi luôn muốn cùng cha đi đến những chân trời mới.

- Vậy ta đi, lên tàu nào!

Tôi tung tăng đi vào trong toa, ngồi xuống ngay cạnh ông, vẫy đuôi mừng rỡ. Và rồi đoàn tàu chuyển bánh, tiến về một nơi xa xôi với những đám mây trắng mà bấy lâu tôi chỉ biết ngắm nhìn từ dưới đất. Một nơi mà tôi và cha sẽ mãi không bao giờ lìa xa nữa...

***

Khi tôi viết truyện ngắn dựa theo câu chuyện có thật này, chú chó trung thành Hachiko đã mất từ lâu. Người nhà tìm thấy thi thể chú chó tội nghiệp đã chết gục đúng nơi mà nó vẫn thường đứng đợi chủ vào buổi sáng ngày hôm sau.

Câu chuyện về lòng trung thành, kiên nhẫn và bất khuất của chú chó ấy đã trở thành tiêu điểm của thế giới thời bấy giờ. Nước Nhật đã đặt cho Hachiko danh hiệu đó là “quốc khuyển”. Đây là chú chó thứ hai mà tôi đã khóc khi viết tác phẩm.

Hai chú chó đó khiến tôi tự đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu tình nghĩa của loài người chúng ta có bằng được những năm tháng đấu tranh của chúng không? Và làm sao để chúng ta có thể bảo vệ được thế giới động vật tưởng như không có lý trí ấy nhưng lại mang một tấm lòng sâu sắc đến vậy?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.