Những người lính Điện Biên như sống lại ngày này của 67 năm trước, lại áo quần chỉn chu đi thăm các di tích để ôn lại thuở “nếm mật, nằm gai”…
Nhớ ngày “nếm mật, nằm gai”
Cựu binh Nguyễn Công Nuôi (tổ dân phố 1, thị trấn Mường Ảng, Điện Biên) năm nay 89 tuổi, rất minh mẫn, khỏe mạnh. Ông là chiến sĩ Điện Biên năm xưa lắm. Mỗi độ tháng 5 về, ông lại bảo cháu, con vượt hơn 40km đường rừng đưa ông từ thị trấn Mường Ảng bé nhỏ để lên với thành phố Điện Biên, nơi có cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa để ghé thăm.
Ngần ấy năm đã trôi qua, song từng chi tiết của trận đánh lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu hồi tháng 5/1954 ông vẫn không thể nào quên. Ở đó là lòng chảo Mường Thanh, nơi ông trực tiếp tham gia chiến dịch. Từng “mảnh” kỉ niệm nhỏ với đồng đội ngày ấy, ông Nuôi chưa khi nào cảm thấy nhạt phai.
“Khi ấy tôi còn trẻ, thấy bom đạn là cũng sợ. Song thấy cả đơn vị đều quyết tâm. Điều kiện gian khổ như thế, song tất cả đều đồng chí, đồng lòng. Tất cả đều quyết chiến để bảo vệ Tổ quốc. Mọi sự sợ hãi đều tan biến.
56 ngày đêm với chiến thắng Điện Biên Phủ quả thực oanh - ác liệt lắm. Đơn vị tôi trực chiến! Tôi may mắn được sống! Đồng đội mất mát nhiều! Nhưng với tinh thần trách nhiệm, mọi người quyết chí vượt qua gian khổ để có ngày hôm nay. Đến bây giờ, lúc nào tôi cũng luôn tự hào về dân tộc Việt Nam”, ông Nuôi nhớ lại.
Năm 1952, khi vừa tròn 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai trẻ Nguyễn Công Nuôi đã xung phong lên Tây Bắc nhận nhiệm vụ. Đến Điện Biên, ông được phân công vào nhiều đơn vị, tham gia chiến đấu ở nhiều trận đánh khác nhau.
Song ông Nuôi ấn tượng như in trận đánh đồi A1 năm ấy. Đó là trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của chiến dịch. Mục tiêu của quân đội ta trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Eliane 2 trong dãy cứ điểm phía Đông Điện Biên Phủ.
Do vị trí đặc biệt quan trọng, thực dân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ. Ở đây có hệ thống hầm ngầm bí mật kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ sung máy, lỗ châu mai sao. Với đặc điểm đó, một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công.
Thực dân Pháp còn liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Do vậy trong đợt tiến công lần 1, Trung đoàn 174 bên phía Việt Nam đã phát động 4 đợt tiến công liên tục mà cũng chỉ chiếm được một nửa đồi. Phải tới ngày 6/5, nhờ khối bộc phá 1 tấn được đào bí mật để phá sập hệ thống hầm ngầm, Quân đội ta mới hoàn tất việc chiếm đồi.
“Đây là trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, với số bộ đội thương vong cũng là cao nhất. Trận đánh dai dẳng kéo dài hàng tháng trời. Nhiệm vụ chính của tôi lúc ấy là pháo thủ số 1, Đại đội súng cối đánh yểm trợ cho các đơn vị xung kích đánh đồi A1. Giữa sự sống, cái chết mong manh, song chúng tôi luôn quyết chí, bền lòng, anh dũng chiến đấu đến cùng”, ông Nuôi kể lại.
Vành hoa đỏ - thiên sử vàng
Ông Phạm Anh Lâm (tổ dân phố 2, thị trấn Mường Ảng) cũng là cựu binh của trận đánh oai hùng năm xưa. Ông là một trong những chứng nhân may mắn của trận chiến ấy còn sống để kể lại lịch sử cho đến bây giờ. Năm nay, ông đã quá “cửu tuần” (91 tuổi) song vẫn còn minh mẫn lắm. Trước khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1952 ông Lâm từng là lính công binh tham gia phục vụ Chiến dịch Tây Bắc.
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông cũng trực tiếp tham gia trận mở đầu đánh đồi E, đồi D, phòng ngự phía Bắc sân bay Mường Thanh và nhiều trận khác cho đến kết thúc chiến dịch. Đó là những ký ức không thể nào quên, cũng là niềm kiêu hãnh, tự hào.
“Nói về chiến sĩ Điện Biên thì rất là tự hào. Như thơ Tố Hữu nói: “Chín năm làm một Điện Biên/ Lên vành hoa đỏ, lên thiên sử vàng”. Những câu từ ấy mỗi khi nhắc đến khiến cho ai ai trong chúng tôi cũng đều vui sướng.
Máu xương đã đổ xuống bao nhiêu không biết để có được Điên Biên như hôm nay. Nghe những câu thơ ấy, ai ai cũng phấn khởi, tự hào bởi mình là chiến sĩ Điện Biên. Tôi cũng vậy, tự hào lắm chứ!”, ông Phạm Anh Lâm nói.
Những cựu binh như ông Nguyễn Công Nuôi, ông Phạm Anh Luân là số ít những người may mắn giữ được mạng sống sau cuộc chiến. Sinh tử họ đã nếm trải đủ rồi, nên mỗi ngày sống trong cuộc sống hòa bình, các ông vẫn không ngừng dạy bảo con cháu chăm ngoan, lao động và học tập tốt để trở thành người có ích.
Các ông vẫn luôn gìn giữ và phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, sống gương mẫu, vẫn đóng góp cho xã hội và luôn tỏa sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Ông Nguyễn Thế Quảng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Mường Ảng nói: “Về phía hội thì chúng tôi tranh thủ tiếng nói của các cựu chiến binh thế hệ đi trước để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ đi sau.
Các cụ là những người mẫu mực, là chỗ dựa tinh thần để con cháu. Hội viên trẻ chúng tôi học tập, noi theo. Trong công tác Hội, mỗi khi có công việc gì cần bàn, cần quyết định, chúng tôi đều qua báo cáo, xin ý kiến để công tác của Hội ngày một tốt hơn”.
67 năm trôi qua, những chàng trai, cô gái khi đó ở độ mười tám, đôi mươi vào chiến dịch nay người còn, người mất. Song thắng lợi cuối cùng đã thuộc về dân tộc Việt Nam, một dân tộc bé nhỏ, gan góc, anh hùng.
Điện Biên hôm nay đang trên đà phát triển. Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc Điện Biên đang đoàn kết một lòng xây dựng Điện Biên cất cánh bay xa, xứng đáng với xương máu mà thế hệ cha anh đã ngã xuống cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm xưa.