Tôi không nghĩ tới ngày nhạc sỹ Thuận Yến ra đi

GD&TĐ - Nhận tin nhạc sỹ Thuận Yến qua đời, tôi bàng hoàng ngồi lặng đi. Lâu nay, tôi gần như bị công việc và cơm áo đời thường cuốn đi xa các mối quan hệ thân hữu, tới mức thỉnh thoảng lại chợt giật mình bởi tin từ giã cõi trần của một ai đó lâu ngày không gặp.

Nhạc sỹ Thuận Yến và vợ là NSƯT Thanh Hương
Nhạc sỹ Thuận Yến và vợ là NSƯT Thanh Hương

Riêng với nhạc sỹ Thuận Yến, cảm giác bàng hoàng, tiếc nuối đeo đẳng trong tôi, ngay cả sau khi lục lại năm sinh của ông, tự an ủi: “Ừ thì bác đã 79 tuổi rồi, sinh, lão, bệnh, tử vẫn là quy luật”, tôi vẫn cứ tiếc ông.

Tôi quen nhạc sỹ Thuận Yến bắt đầu từ sau khi bài hát “Màu hoa đỏ” ra đời. Trước đó, dù chưa gặp ông, tôi đã có cảm tình đặc biệt với ông từ những bài viết rất xúc động của ông về đề tài Bác Hồ, trong đó, đặc biệt là bài “Bác Hồ một tình yêu bao la”. 

Không quá trang trọng như những bài hát viết về Bác Hồ của nhiều nhạc sỹ khác, bài hát đi vào lòng người mọi thành phần, mọi lứa tuổi bởi ca từ giản dị, ấm áp như lời tâm tình của lớp cháu con về người ông, người cha của mình, đặc biệt là qua giọng hát của nghệ sỹ Thanh Hoa hát bài này trên Đài tiếng nói Việt Nam. 

Năm 1985, tôi đã dàn dựng bài hát này thành tiết mục hoạt cảnh về Bác cho học sinh lớp chủ nhiệm của mình tham gia văn nghệ kỷ niệm ngày sinh nhật Bác.

Trở lại với bài hát “Màu hoa đỏ”, khi nghe bài hát này tôi chưa hề biết ca khúc đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1994. Chỉ biết mỗi lần nghe ai đó hát hay tự mình hát lên là trái tim lại rung lên những cảm xúc mãnh liệt: Tuổi ấu thơ với những trang sách về cuộc chiến hào hùng của dân tộc ùa về. Thấp thoáng bước chân, dáng đứng hiên ngang, kiêu hãnh của người lính nơi đỉnh núi, đường rừng rực màu hoa đỏ. 

Vẫn là Thuận Yến với giai điệu mượt mà, đằm thắm. Không ngăn nổi tình cảm ngưỡng mộ với nhạc sỹ, tôi viết bài thơ cảm tác về Màu hoa đỏ (đăng trên tạp chí Văn hóa Quảng Nam) và gửi theo địa chỉ nhà riêng cho nhạc sỹ Thuận Yến. 

Bài thơ mở đầu với những câu: “Nếu không có màu hoa đỏ của anh/Sắc áo ấy nhạt nhòa theo năm tháng/ Cánh cửa Trường Sơn ngàn sau im ỉm đóng/ Còn ai thương người lính đợi anh về”. 

Ngay sau đó, tôi nhận được thư riêng nói lời cảm ơn của ông cùng với 7 bản nhạc viết tay và trong đó có bài 3 bài đã công bố là “Chia tay hoàng hôn”, “Khát vọng”, "Màu hoa đỏ" và 4 bài còn lại ông mới sáng tác, chưa công bố là “Nuối tiếc”, “Mắt buồn phố vắng”, "Vầng trăng đơn côi”, “Tìm anh”. 

Những khuông nhạc cũng như những nốt nhạc chép tay của nhạc sỹ Thuận Yến đẹp một cách mềm mại, bay bướm mà vẫn rất chỉn chu như chính con người nhạc sỹ.

Những lần nhạc sỹ Thuận Yến về thăm quê hương Quảng Nam hay là nói chuyện với văn nghệ sĩ Quảng Nam, dẫu bận thế nào tôi cũng cố gắng tham dự. Ông có lối nói chuyện giản dị, mộc mạc bằng chất giọng truyền cảm nhưng lại rất dễ đi vào lòng người. 

Thường là ông nói nhiều về những kỷ niệm gặp Bác, sự quan tâm, chăm sóc ân cần của Bác, nhất là khi ông cùng Đoàn văn công Quân khu Trị Thiên từ chiến trường ra Hà Nội trong những ngày gian nan, thiếu thốn nhất, hay những hoàn cảnh đặc biệt đã sản sinh ra “đứa con tinh thần” của ông. 

Tôi thích nhất là khi ông kể về hoàn cảnh sáng tác bài “Chia tay hoàng hôn”. Năm 1964, chàng SV nhạc viện Hà Nội khóa VI cùng bạn học, người yêu của ông là Thanh Hương - Nghệ sỹ đàn tam thập lục - cùng nhau lên đường vào chiến trường. 

Tình yêu của họ trải qua gian nan, thử thách ở chiến trường ngày càng gắn bó, để 4 năm sau nên vợ, nên chồng. Nhưng rồi sau đó không lâu, họ lại phải chia xa: Người vợ ra Bắc trị bệnh còn Thuận Yến trở lại chiến trường. 

“Buổi ấy hoàng hôn đã tím đỏ chân trời, nơi Ngã ba đường 9 (Quảng Trị), chúng tôi cứ ngồi yên lặng mãi bên nhau, tay trong tay, nước mắt nhòe nước mắt. Giữa khung cảnh bom đạn ác liệt ngày ấy, những cuộc chia xa thường không chắc có ngày trở lại, nên tôi chợt nhớ lời bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của Hoài Vũ và rồi lồng ngực bật lên những ca từ: Anh phải về thôi, xa em thôi. Hoàng hôn yên lặng cũng theo về . Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc. Mà lời từ biệt chẳng lên môi… Chia tay em chia tay hoàng hôn, anh mang theo về tình yêu và nỗi nhớ, anh đem theo về con tim cô đơn. 

Nhất là khi điệp khúc “chia tay anh chia tay hoàng hôn được cất lên” tôi cứ văng vẳng tiếng gọi tha thiết của Thanh Hương, mẹ cháu Thanh Lam bây giờ, khi tôi cất bước vào chiến trường. Tiếng Thanh Hương gọi tên tôi vang vọng mãi trong không gian cho đến khi tôi không còn nghe thấy nữa.

Khác với nhiều nhạc sỹ khác, mặc dù nhạc của Thuận Yến không kém phần phóng khoáng, lãng mạn, bay bổng nhưng ngoài đời, ông luôn giản dị, chừng mực và chu đáo với tất cả . 

Những câu chuyện của ông bao giờ cũng trở về với lòng nhân ái, vị tha và tình cảm quê hương, đất nước, với Đảng, Bác, đồng chí, đồng nghiệp. Giữa ông và ca sỹ Thanh Lam là 2 nửa khá đối chọi: Một bên trầm tĩnh một bên náo nhiệt, nhưng ông luôn yêu quý cô con gái hết mực và tôn trọng mọi sở thích của cô. 

Có ai chê trách gì đó Thanh Lam, thì ông bảo:”Bọn trẻ bây giờ khác mình ngày xưa. Thanh Lam nó sôi động, mãnh liệt, chứ không lặng lẽ, ẩn giấu một cách hiền lành như bố. Nó khá đấy!”. 

Có lẽ, vì chất cổ điển hài hòa với hiện đại này mà nhạc sỹ Thuận Yến có rất nhiều fan hâm mộ nể vì, trong đó có tôi. Lần cuối cùng tôi được gặp ông là vào cuối năm 2004, tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam (tại TP Tam Kỳ), khi ông về tham dự buổi giao lưu giữa của các nhạc sỹ đất Quảng. 

Trước khi vào giao lưu, ông tranh thủ gặp tôi được một lát và hỏi: “Em có thuộc hết những bản nhạc anh đã gửi không? Thi thoảng viết văn hóa, văn nghệ có điều gì cần hỏi thì cứ gọi cho anh”. Sau đấy, tôi có gọi số điện thoại cố định của ông một vài lần (ngày ấy nhạc sỹ chưa sử dụng di động) nhưng toàn gặp nghệ sỹ Thanh Hương bảo là ông đi vắng ở tỉnh này, tỉnh nọ. 

Rồi công việc thường nhật của người làm báo làm tôi quên bẵng mọi chuyện. Mỗi lần nhớ tới ông, trong tôi luôn có một Thuận Yến với vóc dáng dong dỏng, khỏe khoắn và một tâm hồn tràn đầy sinh lực yêu đời, yêu người.

Vậy mà cuối cùng nhạc sỹ của tình yêu Đảng, yêu Bác, yêu quê hương, đất nước, đồng chí, gia đình bè bạn đã về với cõi ngàn thu. Không tiếc thương sao được, những tác phẩm mà ông để lại là gia sản quý cho mọi thế hệ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.