Nếu còn gì phải góp ý xây dựng thêm thì chỉ còn là việc đi vào vấn đề tiểu tiết và bàn thêm việc chuẩn bị các điều kiện để học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng , có tâm thế tốt vào kỳ thi mà thôi.
Có ý kiến băn khoăn về thang điểm 20 nhưng cá nhân tôi thì hoàn toàn ủng hộ cách chấm theo thang điểm này. Vì nếu chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp thì có điểm 10 hay 20 không quan trọng.
Nhưng đây là kỳ thi kép, dựa trên kết quả xét tốt nghiệp để tuyển sinh đại học, cao đẳng thì càng chi tiết càng tốt hơn. Nếu cho điểm theo thang 10 mà chi tiết là 0,5 thì xét vào đại học, cao đẳng sẽ có nhiều thí sinh điểm ngang nhau; còn cho theo thang điểm 20 dễ chấm hơn, có khi chỉ chênh nhau tới 0,25 điểm là kết quả lựa chọn vào trường đại học, cao đẳng đã khác rồi.
Về việc lùi thời gian tổ chức thi so với trước đây là 3 tuần tôi thấy cũng hợp lý. Vào thời điểm cuối tháng Năm mới kết thúc chương trình, nhiều trường phải dạy 2 buổi trong ngày: sáng dạy chương chình chính khóa, chiều ôn tập thì dồn ép.
Nay nếu kéo dài thêm 3 tuần, các trường có thể ôn tập, hướng dẫn thêm cho học sinh. Tuy nhiên, cũng phải tránh hiện tượng ép hoc sinh đi học thêm. Về việc lợi thế, tiết kiệm trong tổ chức thi theo cụm thì rõ rồi.
Vấn đề còn lại là đề thi của kỳ thi kép cần được đặc biệt coi trọng: Đề phải có tính phân hóa rõ rệt. Theo tôi, đề xét tốt nghiệp, đề nên hướng đến một lượng kiến thức cơ bản khoảng 2/3 để học sinh trung bình có thể đạt yêu cầu từ 5 đến 7 điểm. 1/3 kiến thức còn lại dành để xét thi vào đại học, cao đẳng. Như thế sẽ không có chuyện với đối tượng này thì đề là quá khó còn với đối tượng khác đề lại quá dễ.