“Tôi có hút thuốc lá ở nhà cô đâu mà cấm!”

GD&TĐ - Một cụ ông đã đặt ra câu hỏi ngược như vậy sau khi tôi đề nghị cụ nên chuyển cầm điếu thuốc sang tay khác để khỏi ảnh hưởng đến những người xung quanh.

“Tôi có hút thuốc lá ở nhà cô đâu mà cấm!”

Chuyện là thế này, hôm đó ở quán cà phê, thấy cụ ông hút thuốc lá, vì ngồi gần, khói thuốc bay về phía bàn chúng tôi (có cả con nhỏ) nên tôi đề nghị đổi tay cầm thuốc, cụ sừng sộ: Tôi hút thuốc ở hàng, ở quán, có hút ở nhà cô đâu mà cô cấm? Cô không thích thì đi chỗ khác mà ngồi, tôi thích làm gì là quyền của tôi chứ. Nghe vậy, phần vì tôn trọng cụ ông lớn tuổi, phần vì muốn yên chuyện, chúng tôi đành chuyển đi bàn khác.

Kể lại câu chuyện tức anh ách cho đồng nghiệp nghe, cô bảo: Vậy là còn đỡ ấy chứ. Còn em có lần ngồi trên xe buýt, đã say xe lại còn say thuốc. 

Vừa cất lời đề nghị thì người đàn ông ngồi cạnh vứt điếu thuốc đang hút dở, trợn mắt (ý em phá đám mất ngon), lấy tiếp điếu khác châm lửa hút rồi phả thẳng khói vào mặt em ra điều thách thức: Cô chờ xem thử có ai đến đây mà phạt được tôi nào?

Cả hai người đàn ông trong câu chuyện vừa kể và hẳn sẽ có rất nhiều người nữa khi ở trong tình trạng tương tự đều cho rằng hút thuốc ở đâu là quyền của họ. 

Mặc dù đang làm một việc ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác nhưng hình như họ chẳng có chút áy náy nào. Thậm chí không chỉ không có chút áy náy, mà như câu chuyện vừa kể họ còn lên tiếng, quát nạt, dằn mặt những người lên tiếng phản ứng.

Thực tế là có rất nhiều phụ nữ, như tôi và thậm chí là cả những người đàn ông không hút thuốc lá đang phải chịu đựng khói thuốc một cách không mong muốn. Không biết họ - những người hút thuốc có hiểu rằng một người không hút thuốc sẽ cảm thấy hết sức phiền lòng khi phải ngửi mùi thuốc lá?

Trong cuộc sống, hẳn chúng ta không quá khó để bắt gặp cảnh nhiều người già, trẻ em, phụ nữ và cả phụ nữ mang thai bị “bủa vây” trong khói thuốc. 

Trong số ấy, có người cho là chuyện bình thường, không quan tâm (có lẽ vì đã quá quen hay vì không biết tác hại của thuốc lá!?); có người thực lòng muốn lên tiếng - ít nhất là đề nghị những người đàn ông ấy bỏ điếu thuốc đang hút dở hoặc đi ra nơi khác nhưng lại không dám. Cũng có người cố lấy can đảm đề nghị nhưng rồi lại gặp phản ứng như tôi và đồng nghiệp của tôi đã kể ở trên.

Vì sao họ lại phản ứng như vậy? Phải chăng họ cho rằng chúng tôi thiếu lễ độ - vì nhỏ tuổi hơn họ, là vô duyên thích xía vào chuyện của người khác và thậm chí đang nghiêm trọng hóa vấn đề lên? 

Hay họ cho rằng dù chúng tôi có ý kiến như thế nào đi chăng nữa, hút ở đâu và hút bao nhiêu điếu là quyền của họ vì chẳng có cơ quan chức năng nào đứng ra phê bình, phạt được họ?

Điều 7, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá: Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. 

Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. ….

Luật quy định như vậy không chỉ nhằm giảm bớt tình trạng hút thuốc, mà quan trọng hơn, để bảo vệ những người không hút thuốc vì tác hại của việc phải “hút thuốc lá thụ động” là điều ai cũng biết. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không biết luật, không quan tâm đến những quy định ở đâu được hút thuốc lá và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt bao nhiêu. 

Và đáng buồn hơn nữa, có người dù biết nhưng vẫn cố tình lờ đi vì xung quanh mình, nhiều người hút và hút không đúng nơi quy định nhưng có thấy cơ quan nào đứng ra giám sát và đã có ai bị phạt đâu?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.