Những báo cáo được lấy làm dẫn chứng trong bài viết dưới đây xuất phát từ những công ty chuyên đánh giá tốc độ mạng Internet và Internet di động uy tín trên toàn thế giới như Akamai, Open Signal và Ookla.
Kết quả của các báo cáo này có thể khác nhau tùy theo phương thức cũng như thời gian tính toán, nhưng tất cả đều có điểm chung đó là: Tốc độ Internet di động của Việt Nam xếp ở top cuối trong khu vực và trên thế giới.
Akamai
Tốc độ kết nối trung bình và Tốc độ kết nối trung bình đỉnh (IPv4) cho kết nối di động sắp xếp theo khu vực (Nguồn:Báo cáo Tình hình Internet quý 1/2016 của Akamai)
Theo báo cáo mới nhất của Akamai với tên gọi “Akamai State of Internet Q1/2016” (Báo cáo Tình hình Internet quý 1/2016 của Akamai), tốc độ Internet di động trung bình của Việt Nam trong quý đầu năm 2016 là 2,6Mbps, còn tốc độ đỉnh là 29,7Mbps. Như vậy, chúng ta đứng gần cuối trong bảng xếp hạng dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chỉ trên New Caledonia với 2 kết quả lần lượt là 2,2Mbps và 26,4Mbps.
Ở các khu vực khác, đứng cuối bảng tại châu Phi là Algeria (2,2Mbps và 29,5Mbps), tại châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ (6,4Mbps và 76,9Mbps), tại Bắc Mỹ là Elsanvando (3,8Mbps và 21,1Mbps), tại Nam Mỹ là Venezuela (2,3Mbps và 22,3Mbps).
Nhìn chung với chỉ số này, chúng ta đứng trên Algeria (2,2Mbps và 29,5Mbps), Gana (2,6Mbps và 11,7Mbps), New Caledonia (2,2Mbps và 26,4Mbps) và Venezuela (2,3Mbps và 22,3Mbps).
Theo báo cáo của Akamai, dữ liệu này dựa trên việc sử dụng smartphone, tablet, máy tính và các thiết bị khác để kết nối với Internet qua mạng di động của các nhà cung cấp. Ngoài ra, để đưa ra con số chính xác, một quốc gia/khu vực nằm trong danh sách này phải có ít nhất 25.000 địa chỉ IP riêng biệt được Akamai xác nhận.
Open signal
Tháng 8 vừa rồi, trang web phân tích OpenSignal đã công bố bản báo cáo về tốc độ Internet di động hiện nay. Bản báo cáo được tổng hợp dựa theo khảo sát từ 822.556 người dùng đã cài đặt ứng dụng của OpenSignal từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điểm mới của năm nay đó là OpenSignal đã gộp cả tốc độ 3G và 4G vào để tính chung nhằm đưa ra cái nhìn khách quan hơn.
Phương pháp đo tốc độ Internet di động trung bình dựa trên tốc độ và độ phổ cập của mạng 4G cũng như 3G của quốc gia đó. Ví dụ như một quốc gia có tốc độ LTE nhanh nhưng độ phổ cập 4G thấp thì có tốc độ chung thấp hơn so với một quốc gia có tốc độ LTE trung bình nhưng độ phổ cập 4G cao.
Dựa trên báo cáo của OpenSignal, tốc độ của mạng di động tại Việt Nam hiện nay đạt 3,81 Mbps và đứng ở vị trí 82/95 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Theo kết quả của OpenSignal, chúng ta đứng trên các quốc gia trong khu vực châu Á như Băng-la-des, Nepal, Philippines, Iraq...
Việt Nam nằm top cuối bảng xếp hạng với tốc độ mạng di động là 3,81 Mbps (Nguồn: Open Signal)
Đứng đầu danh sách này là Hàn Quốc (41,34 Mbps), Singapore (31,19 Mbps), Hungary (26,15 Mbps), Úc (25,01 Mbps), Đan Mạch (23,35 Mbps). Quốc gia đứng cuối danh sách là Afganistan(2,17 Mbps).
Ookla
Vào giữa năm ngoái, trang Tech in Asia có đăng tải một bài viết liên quan đến báo cáo đánh giá tốc độ Internet di động của các quốc gia tại khu vực châu Á và thế giới. Theo đó, tốc độ Internet di động trung bình của thế giới là 12,4Mbps, còn tại châu Á là 10,9Mbps. Trong báo cáo, Việt Nam đứng cuối cùng trong khu vực châu Á với tốc độ Internet di động trung bình là 1,9Mbps, tức là còn thấp hơn mức trung bình của khu vực. Tốc độ này còn dưới cả Myanmar (2,5Mbps), Lào (3,1Mbps) và Campuchia (6,4Mbps).
Xếp hạng tốc độ Internet di động của các quốc gia tại châu Á
Ookla là công ty hàng đầu về các ứng dụng kiểm tra tốc độ internet băng thông rộng. Phần mềm và các phương pháp của công ty được lấy làm tiêu chuẩn cho ngành băng thông rộng nhờ độ chính xác, tính phổ biến, dễ sử dụng và nhiều dữ liệu thống kê.