Tỏa sáng từ tinh hoa dân tộc

GD&TĐ - Phương Mỹ Chi thực sự tạo dấu ấn mạnh mẽ tại Sing! Asia 2025 - Giọng hát mới châu Á 2025.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Vượt qua 2 trạm thi từ Việt Nam đến Singapore, tiếp đó là 2 vòng bán kết để vào chung kết, Phương Mỹ Chi thực sự tạo dấu ấn mạnh mẽ tại Sing! Asia 2025 - Giọng hát mới châu Á 2025.

Việc ca sĩ tuổi 22 này có thể thẳng tiến không phải bằng con đường rộng mở thênh thang mà phía trước luôn là không ít chông gai, vì đó là sân chơi âm nhạc quốc tế hội tụ tài năng âm nhạc trẻ châu Á tranh tài. Vậy điều gì đã giúp Phương Mỹ Chi tỏa sáng?

Giọng hát xuất sắc - chắc chắn là như thế, song Chi nổi danh từ âm nhạc dân gian chứ không phải là nhạc đương đại như cuộc thi hướng tới và khán giả mong đợi. Bởi vậy, cùng với yếu tố này thì phải khẳng định rằng, chính bản lĩnh làm mới mình đã đưa ca sĩ này bước tới đỉnh cao của Sing! Asia mùa đầu tiên.

Cô thực sự “lột xác”, từ cô bé hát dân ca ngọt ngào, mỏng manh, yểu điệu thành một ca sĩ tự tin làm chủ sân khấu, có sức hút đặc biệt bởi phong thái biểu diễn tự nhiên, mạnh mẽ, cháy bỏng.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến cách Chi tạo điểm nhấn, giữa những thanh âm lôi cuốn, vũ đạo đẹp mắt không thể thiếu âm hưởng văn hóa độc đáo của Việt Nam. Đó là, ở trạm đầu tiên, Phương Mỹ Chi phiêu bồng cùng ca khúc “Buôn trăng” được lấy cảm hứng từ bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử rồi cháy hết mình với Rock hạt gạo - ca ngợi nền văn minh lúa nước.

Tiếp đó là những: “Lý Bắc Bộ - Đẩy xe bò” (trạm thứ 2) vừa lấy cảm hứng từ truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân vừa đậm chất dân ca quan họ và văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ. Rồi thì “Bóng phù hoa” lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) được ca sĩ trình diễn tại tứ kết 1 với bản phối sử dụng tiếng đàn cò, nhạc cụ truyền thống của đờn ca tài tử Nam Bộ và yếu tố văn hóa Phật giáo dân gian.

Sang bán kết 1 và 2, cô nàng khoe cải lương (câu hát ở vở “Tiếng trống Mê Linh”) trong “Túy âm - Lục hải vi vương” và ca trù cùng bóng dáng cô Tấm trong “Vũ trụ có anh”.

Không chỉ thế, trang phục của Mỹ Chi có sự kết hợp với phom dáng cùng những yếu tố truyền thống của màu sắc Bắc bộ như áo tứ thân, yếm đào, nón quai thao và cả đạo cụ như giỏ tre đan, trống cơm...

Có thể thấy, ca sĩ trẻ này cùng ê-kíp (nhất là DTAP) đã mang bản sắc Việt lên sân khấu quốc tế một cách sáng tạo, đầy bản lĩnh và có chủ đích. Họ lấy âm nhạc dân gian làm nền tảng để có những bản phối hiện đại đồng thời sử dụng trang phục, võ thuật mang màu sắc địa phương làm hiệu ứng thị giác ấn tượng.

Phương Mỹ Chi đang bay cao, khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế từ bản lĩnh kể chuyện âm nhạc đậm bản sắc Việt. Vẫn luôn là như vậy, nếu nghệ sĩ tài năng tự tin thúc đẩy sự cộng hưởng giữa truyền thống (tinh hoa dân tộc) và hiện đại (phong cách…) một cách có chủ đích thì chắc chắn sẽ tỏa sáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ