Tọa đàm khoa học về danh nhân Phó Đức Chính

GD&TĐ - Một người có chí lập thân, lập trí, lập nghiệp làm cách mạng vì dân vì nước như ông với lập ngôn nổi tiếng đó đã trở thành một sự kích hoạt tư duy về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, thông qua tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của danh nhân Phó Đức Chính, do Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với dòng họ Phó tổ chức sáng nay (22/12) tại chính Di tích – nhà trường cách mạng này.

PGS Đặng Quốc Bảo- cháu gọi danh nhân Phó Đức Chính là cậu ruột - chủ trì tọa đàm khoa học
PGS Đặng Quốc Bảo- cháu gọi danh nhân Phó Đức Chính là cậu ruột - chủ trì tọa đàm khoa học

Không chỉ danh nhân Phó Đức Chính, mà cả 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng cùng bị hành quyết sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái không thành vào 87 năm trước đã được nhắc đến trong các tham luận tại tọa đàm. Và quan trọng hơn những cái tên tiên liệt đã được ghi danh trong lịch sử, đó chính là khí phách hiên ngang, tấm gương kiên trung của họ với những hành động cao cả vì nước quên thân.

Họ, mà điển hình là danh nhân Phó Đức Chính đã trở thành một hiện tượng mà các thế hệ sau luôn muốn giải mã, ngõ hầu làm sáng tỏ về cuộc đời và sự nghiệp đầy nghĩa khí của họ rằng, vì sao những người tuổi đời còn rất trẻ mà đã có đủ bản lĩnh để vượt qua muôn ngàn cám dỗ để đi theo cách mạng và giữ vững tấm lòng kiên trung với cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng?

Lời nói của danh nhân Phó Đức Chính trước phiên tòa xét xử của thực dân Pháp, tháng 3/1930
Lời nói của danh nhân Phó Đức Chính trước phiên tòa xét xử của thực dân Pháp, tháng 3/1930

Giải mã hiện tượng Phó Đức Chính, PGS.TS Nguyễn Minh Đức ở Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Người cha của Phó Đức Chính là cụ Phó Đức Chân đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách người con trai út của mình, dưới góc độ tam lập: Lập thân, lập trí và lập chí.

Có thể nói hành trình lập nghiệp của ông được xây dựng trên nền tảng vững chắc của bộ ba tam lập đã được kích hoạt từ trong tuổi thơ, dưới ảnh hưởng của giáo dục gia đình. Lựa chọn làm cách mạng là con đường lập nghiệp chính thức của mình, Phó Đức Chính đã thừa kế truyền thống yêu nước, sẵn sang xả thân vì sự tồn vong của dân tộc trong chiều dài lịch sử Việt Nam.

Phải thế chăng mà trước án xử tử hình của tòa, được chủ tịch Hội đồng đề hình hỏi có chống án không thì ông đã khảng khái trả lời: “Đời người ta làm có một việc, hỏng cả một việc, sống nữa mà làm gì? Đại sự không thành, chết là vinh!”

Và trước khi lên máy chém, ông còn đề nghị đặt nằm ngửa để nhìn lưỡi dao rơi xuống, và hô “Việt Nam vạn tuế”. Phải thế chăng mà tác giả cuốn “Việt Nam – tấm thảm kịch Đông Dương”, ông Louis Roubaud đã đặt tên tiếng Pháp cho Phó Đức Chính là Droit et vertu?

Các tham luận tại tọa đàm cũng cho chúng ta hiểu thêm về quê hương, dòng họ của danh nhân Phó Đức Chính ở làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; về những đóng góp của danh nhân Phó Đức Chính trong tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng và ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái với phong trào yêu nước, về sự tri ân của Đảng, Nhà nước ta và dòng họ Phó đối với các tiên liệt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái (Nhà lưu niệm danh nhân Phó Đức Chính ở quê nhà; Khu lăng mộ cho các tiên liệt Yên Bái tại Công viên Yên Hòa, TP Yên Bái…).

Các nhà khoa học tham dự buổi tọa đàm
Các nhà khoa học tham dự buổi tọa đàm

PGS Đặng Quốc Bảo, cháu gọi danh nhân Phó Đức Chính là cậu ruột (mẹ ông là bà Phó Thị Quy, con thứ ba của cụ Phó Đức Chân), người chủ trì tọa đàm khoa học về Phó Đức Chính và cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã chia sẻ với chúng tôi những thông tin thú vị:

Tháng 5/2017, gia đình ông đã đến Paris để sưu tầm thêm những tư liệu về danh nhân Phó Đức Chính. Trong chuyến đi này, một cựu chuyên viên của RF – ông Robert Dagany là người tiền trạm và hướng dẫn, đã có nhận xét thật là chính xác về danh nhân Phó Đức Chính.

Và ông Robert Dagany còn nhắc đến Aragon – nhà thơ Pháp có những dòng xúc động ở kho lưu trữ của Trung tâm lưu trữ Pháp quốc hải ngoại: “Yen Bay, Quel est vocable qui rappelle qu’on ne baillone pas un peuple qu’on ne le maste pas avec le sabre du bourreau” (Yên Bái, đây là cái điều nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ).

“Đây là con người kỳ diệu. Phó Đức Chính đã hi sinh tới 12 lần, bởi khi Pháp hành quyết, ông yêu cầu không bịt mắt, 11 lần ông chứng kiến máy chém của thực dân lao xuống đầu đồng chí của mình và lần cuối cùng là cho chính mình. Phải là con người có đức tin mãnh liệt vào lý tưởng cao quý của mình có lòng quả cảm mãnh liệt mới có nhân cách đáng khâm phục như vậy” - CỰU CHUYÊN VIÊN RF -ÔNG ROBERT DAGANY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...