Đến dự có PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm- ĐH Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng nhìn nhận: Du lịch, ngành công nghiệp không khói mang lại lợi ích kinh tế, có mối quan hệ với ngành văn hoá. Thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Có doanh thu từ du lịch xấp xỉ doanh thu trung bình của một tỉnh.
Trong thời gian qua, các ngành văn hoá du lịch, văn hoá học, Việt Nam học là một trong các ngành đào tạo tập trung của nhà trường. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu trình độ nguồn nhân lực ngày càng cao;
Toạ đàm lần này tập trung hướng liên kết, hợp tác giữa các cơ quan hữu quan như sở văn hoá thể thao, sở du lịch, quản lý điểm đến, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành.
Qua đó, tiếp nhận các ý kiến góp ý, đề xuất, cơ sở đào tạo có sự điều chỉnh trong chương trình đào tạo để phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Trao đổi về việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực văn hoá, du lịch, TS Trương Phước Minh - Trưởng khoa Địa lý - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Hiện nay chất lượng nhân lực ngành Du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Doanh nghiệp vẫn mất thời gian đào tạo lại; năng lực ngoại ngữ, tin học là chìa khoá của hội nhập lại là điểm yếu của đội ngũ du lịch hiện nay (hơn 90% lao động du lịch Khánh Hoà không đạt yêu cầu ngoại ngữ?) Kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lao động du lịch chưa được trang bị đầy đủ.
Lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú ít được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, công việc có tính thời vụ. Lực lượng hướng dẫn viên tự do rất lớn, chưa có sự quản lý chặt chẽ.
TS. Trương Phước Minh cho rằng: Việc đào tạo nghề du lịch cần phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Chương trình đào tạo nghề du lịch cần đổi mới về nội dung và phương pháp đào tại phù hợp với đối tượng và nhu cầu hiện đại.
Tăng cường liên kết nhà trường và doanh nghiệp. Mời giảng viên, chuyên gia có uy tín để truyền đạt, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo chi sinh viên. Sinh viên cần được đào tạo ở trường học và môi trường thực tiễn lao động, sản xuất. Xem thực tập sản xuất, thực tập nghề nghiệp là một phần trong chương trình đào tạo.