Tố lên Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC vì không đồng tình với phán quyết của tòa

GD&TĐ - Thấy quyền lợi bị ảnh hưởng, phiên tòa có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tài Lộc đã làm đơn tố cáo Thẩm phán - Chủ tọa Phiên tòa lên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Nhờ tòa "phán nợ"

Ngày 20/01/2016, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tài Lộc ký Hợp đồng kinh tế số 02/2016/HĐKT và Hợp đồng kinh tế số 03/2016/HĐKT với Ban điều hành dự án 36.25 - Chi nhánh Tổng công ty 36 Bộ Quốc Phòng “Về việc Bốc xúc vận chuyển đất, đá phục vụ công trình Hòa Lạc - Hòa Bình” (Theo giấy ủy quyền số 68C/UQ - TCT36; giấy ủy quyền số 68D/UQ - TCT36 ngày 10/8/2013 của Tổng công ty 36 Bộ Quốc Phòng ủy quyền cho ông Vũ Văn Thìn - Giám đốc Ban điều hành dự án 36.25).

Phiếu chuyển đơn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao gửi Vụ 12.
Phiếu chuyển đơn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao gửi Vụ 12.

Quá trình thực hiện Hợp đồng kinh tế số 02/2016/HĐKT và Hợp đồng kinh tế số 03/2016/HĐKT với Tổng công ty 36 Bộ Quốc Phòng (BQP), Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tài Lộc đã thực hiện đầy đủ các công việc được hai bên giao kết thể hiện trong các biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành công việc được giao. Trong quá trình hợp tác, 2 bên đã thống nhất về khối lượng và công việc, không có tranh chấp. Phía Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tài Lộc đã xuất hóa đơn đầy đủ cho Tổng công ty 36 BQP theo đúng quy định.

Cụ thể, ngày 31/12/2017 và ngày 31/3/2018 Ban điều hành dự án 36.25 và Công ty xuất nhập khẩu Tài Lộc lập biên bản đối chiếu công nợ cho Hợp đồng kinh tế số 02/2016/HĐKT. Nội dung biên bản, các bên thống nhất xác định: Tổng giá trị hợp đồng số 02/2016 là: 23.273.139.000 đồng, số tiền theo hồ sơ thanh toán (04 đợt) là 22.961.440.229 đồng, số tiền đã thanh toán là 17.337.404.573 đồng, số tiền còn nợ phải thanh toán là: 5.624.035.656 đồng.

Tại Hợp đồng kinh tế số 03/2016/HĐKT, ngày 31/12/2017 và 31/3/2018, Ban điều hành dự án 36.25 và Công ty xuất nhập khẩu Tài Lộc cũng lập biên bản đối chiếu công nợ. Nội dung biên bản, các bên thống nhất xác định: Tổng giá trị hợp đồng số 03/2016 là 13.772.646.000 đồng, số tiền theo hồ sơ thanh toán (04 đợt) là13.107.277.200 đồng, số tiền đã thanh toán là 9.118.237.937 đồng, số tiền còn nợ phải thanh toán là 3.989.039.263 đồng.

Như vậy, tổng cộng giá trị của 02 hợp đồng nói trên mà Công ty xuất nhập khẩu Tài Lộc thực hiện theo ký kết có giá trị là 36.068.717.429 đồng. Trong đó, số tiền Tổng công ty 36 BQP đã thanh toán cho Công ty xuất nhập khẩu Tài Lộc là 26.455.642.510 đồng. Số tiền Tổng công ty 36 BQP còn nợ Công ty xuất nhập khẩu Tài Lộc còn lại là 13.075.967.766 đồng (trong đó có 9.603.074.919 đồng tiền nợ gốc và 3.472.892.847đồng nợ lãi tính từ ngày 05/01/2017 đến khi phiên tòa sơ thẩm được mở).

Tuy nhiên, do việc nại ra một số lý do không phù hợp nên Tổng công ty 36 BQP đã không có ý định trả nốt phần tiền nợ này cùng lãi suất theo quy định của ngân hàng. Để đảm bảo phần vốn và tiền công của mình, nên cực chẳng đã, ngày 10/12/2019, Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc đã phải nộp đơn khởi kiện Tổng công ty 36 BQP tới Tòa án Nhân dân (TAND) quận Đống Đa để nhờ tòa phán xử, đáp ứng quyền lợi của mình. Nguyên đơn vụ án là ông Cháu Tắc Sồi (Chủ tịch Hội đồng Quản trị) và người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Khắc Nguyện.

Có vi phạm tố tụng?

Nhận đơn khởi kiện của Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc, ngày 17/08/2020, TAND quận Đống Đa đã đưa phiên tòa Vụ án dân sự thụ lý số 148/2019/TLST- KDTM ngày 17/12/2019 ra xét xử. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều có mặt, tuy nhiên ông ông Vũ Văn Thìn - Giám đốc Ban điều hành dự án 36.25 lại vắng mặt.

Tại bản án Sơ thẩm mang số 34/2020/KDTM – ST, trước những căn cứ pháp lý của nguyên đơn, sau thời gian xét xử, TAND quận Đống Đa quyết định: Chấp nhận 1 phần khởi kiện của nguyên đơn là Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc với bị đơn là Tổng công ty 36 BQP. Buộc Tổng công ty 36 BQP phải thanh toán cho Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc, cụ thể là 1.700.039.764 đồng (Bao gồm 1.382.455.236 đồng tiền nợ gốc là và 317.584.528 đồng lãi chậm thanh toán theo quy định của ngân hàng).

Bản án Sơ thẩm số 34/2020/KDTM – ST.
Bản án Sơ thẩm số 34/2020/KDTM – ST.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao khi số tiền nợ mà nguyên đơn là Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc yêu cầu bị đơn là Tổng công ty 36 BQP phải trả là 13.075.967.766 đồng lại “ngót” đi rất nhiều sau phán quyết của tòa? Để trả lời câu hỏi này, đọc Bản án sơ thẩm số 34/2020/KDTM – ST sẽ thấy, sau nhiều căn cứ viện dẫn thì TAND quận Đống Đa đã bám cơ bản vào các căn cứ là: Theo giấy ủy quyền số 68C/UQ - TCT36; giấy ủy quyền số 68D/UQ - TCT36 ngày 10/8/2013 của Tổng công ty 36 Bộ Quốc Phòng và Báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá ATC thực hiện theo yêu cầu của Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 – Hòa Lạc – Hòa Bình.

Theo ông Nguyễn Khắc Nguyện - Người đại diện theo ủy quyền của ông Cháu Tắc Sồi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc thì đây là vấn đề mấu chốt nhất để gây thiệt hại lớn cho nguyên đơn sau phán quyết của tòa.

Liên quan đến Giấy ủy quyền số 68C/UQ - TCT36 và Giấy ủy quyền số 68D/UQ, theo Luật sư  Phan Nhật Luận – Đoàn luật sư Hà Nội – Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn thì: Giấy ủy quyền số 68C/UQ - TCT36 và Giấy ủy quyền số 68D/UQ được ký ngày 10/08/2013 chỉ có hiệu lực đến ngày 10/08/2014 do giấy ủy quyền không ghi thời hạn ủy quyền. Vậy Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ giấy ủy quyền đã hết hiệu lực để xác định lỗi, quy trách nhiệm đối với nguyên đơn trong vụ án (Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc) là trái với quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 582 Bộ luật dân sự 2005 về Thời hạn ủy quyền: Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Do đó, việc yêu cầu của bị đơn xem xét thẩm quyền ký kết hợp đồng theo Giấy uỷ quyền số 68D/UQ-TCT36 và Giấy uỷ quyền số 68C/UQ-TCT36 ngày 10/8/2013 là không có căn cứ để xem xét vì giấy uỷ quyền đã hết thời hạn.” - Luật sư Phan Nhật Luận nhấn mạnh.

Về việc căn cứ vào Báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá ATC thực hiện theo yêu cầu của Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 – Hòa Lạc – Hòa Bình để đưa vào xét xử, cũng theo Luật sự Phân Nhật Luận, căn cứ xác định giá này là do Tổng công ty 36 BQP tự kê khai và không có trong Báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán cũng không đóng dấu xác nhận, không có ý kiến kiến nghị cụ thể và đây là báo cáo của toàn bộ công trình chứ không phải chỉ thực hiện riêng với 2 hợp đồng mà Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc đã ký với Tổng công ty 36 BQP là không đảm bảo tính khách quan.

Tại bản khai để cung cấp cho Tòa, ông Vũ Văn Thìn cũng cho biết, thực hiện Dự án BOT Quốc lộ 6 – Hòa Lạc – Hòa Bình, đoạn từ km 16 + 000 đến km 18 + 000 Ban điều hành dự án 36.25 đã ký kết hợp đồng giao khoán thầu phụ, bốc xúc vận chuyển đất đoạn đường Đèo Bụt từ km 18 – 120 đến km 18 + 800 là các hợp đồng số 02/2016/HĐKT và Hợp đồng kinh tế số 03/2016/HĐKT năm 2016.

Quá trình thực hiện hai bên không có tranh chấp gì, cũng như Tổng công ty 36 BQP không có ý kiến gì về nội dung hay phạm vi của hợp đồng. Tổng công ty 36 BQP đã tiến hành thanh toán cho Công ty Tài lộc nhiều lần với số tiền 27 tỷ đồng từ năm 2016 đến năm 2017. Điều này, theo ông Thìn có nghĩa là các hợp đồng trên không vướng một sai phạm nào.

Căn cứ bản lời khai cung cấp cho Tòa của ông Vũ Văn Thìn thì thấy, nó đều trùng khớp với các biểu mẫu hợp đồng, được Phòng  hành chính Tổng công  ty 36 ban hành. Tất cả các hợp đồng của Ban điều hành Dự án 36.25 ký kết với khách hàng là nhà thầu phụ hoặc mua vật tư vật liệu (trong đó có Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc) đều được nộp về Phòng Kế hoạch tổng hợp và Phòng tài chính - Tổng công ty 36 BQP để báo cáo và lưu giữ theo quy định.

Quá trình thanh toán cho Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc đều được giám sát chặt chẽ của Tổng công ty 36 BQP (do Ban điều hành không có tư cách pháp nhân)… thì tại sao nếu hợp đồng sai phạm (trong đó có cả việc không ủy quyền thuê máy móc, thiết bị, thuê giàn giáo, copha bằng thép) Tổng công ty 36 BQP đã không phát hiện ra để kịp thời hạn chế thậm chí là ngăn cản hành vi này giữa Ban điều hành Dự án 36.25 và Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc?

Theo ông Tuấn Anh - Nguyên Chánh án tòa kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội nhận định: Thẩm phán Toà án nhân dân quận Đống Đa đã vi phạm Nghiêm trọng tố tụng khi không đưa ông Vũ Văn Thìn vào phiên xét xử. Việc thanh toán trong trường hợp này đã có biên bản đối chiếu công nợ vì vậy phải áp dụng Nghị quyết 04 Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2003, bắt buộc Tổng 36 phải thanh toán cho dù hợp đồng có ký sai thẩm quyền hay không. Việc trừ 1,2 tỷ tiền sau kiểm toán là không có cơ sở pháp luật vì chứng cứ do tự bên 36 đưa ra và không có xác nhận của kiểm toán…

Vì cá nhân nhận thấy Phiên tòa sơ thẩm có nhiều vi phạm về tố tụng nên hiện nay ông Cháu Tắc Sồi đã làm đơn tố cáo bà Vũ Thị Lệ Quyên - Thẩm phán Toà án nhân dân quận Đống Đa đồng thời cũng là Chủ tọa Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự thụ lý số 148/2019/TLST- KDTM giữa Tổng công ty 36 BQP và Công ty Xuất nhập khẩu Tài Lộc lên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Hành vi tố cáo được xác định: Thẩm phán Vũ Thị Lệ Quyên đã lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi giải quyết Vụ án dân sự thụ lý số 148/2019/TLST- KDTM ngày 17/12/2019 của Toà án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội.

Cụ thể: Xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự trong vụ án, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trong vụ án.

Cùng với đó, ông Nguyễn Khắc Nguyện cũng có đơn gửi tới Toà án Nhân dân TP Hà Nội với nội dung: Toà án cấp sơ thẩm xét xử vụ án vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự trong vụ án và áp dụng sai quy định của pháp luật.

Được biết, tiếp nhận đơn thư tố cáo của ông Cháu Tắc Sồi, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã có phiếu chuyển đơn mang số 3408/VKSTC – C1 (P1) gửi Vụ kiểm sát và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.