Vòng xoáy mới của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt đầu khi Bắc Kinh ra lệnh hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm, hãng tin CNN cho biết.
Văn bản lưu ý rằng đòn giáng mạnh nhất chính là việc áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với samari, gadolinium, terbi, dysprosi, luteti, scandi và ytri. Hiện nay, muốn mua chúng, Mỹ phải có giấy phép.
Trung Quốc cũng đưa 16 công ty Hoa Kỳ, chủ yếu là các nhà thầu quốc phòng như Lockheed Martin và Raytheon, vào "danh sách những thực thể không đáng tin cậy", hạn chế khả năng tiếp cận nguồn cung cấp tài nguyên của họ.
Vai trò của kim loại đất hiếm, một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học, rất quan trọng đối với việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Đặc biệt, chúng được sử dụng trong công nghiệp nhằm chế tạo radar, sonar, laser, máy bay.
Ví dụ, một máy bay chiến đấu F-35 cần gần nửa tấn kim loại như vậy, trong khi đó tàu ngầm hạt nhân Virginia cần hơn 4 tấn đất hiếm, tàu khu trục khoảng 2.300 kg... Đối với khu vực dân dụng, đất hiếm cũng rất cần thiết để chế tạo động cơ xe điện, điện thoại thông minh...

Tác động của lệnh cấm từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ. Lầu Năm Góc thường mua sản phẩm từ Boeing và General Dynamics, những công ty này cũng phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc.
Sự gián đoạn có thể dẫn đến chậm trễ trong việc sản xuất các hệ thống vũ khí quan trọng bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa và hệ thống phòng không. Các chuyên gia ước tính Hoa Kỳ sẽ mất khoảng 3 - 5 năm để tái tạo năng lực chế biến đất hiếm mà không cần phụ thuộc vào Trung Quốc.
Giá cả phản ứng nhanh với những hạn chế mới. Ví dụ, giá dysprosi đã tăng khoảng 32% và giá terbi tăng 28% trong tuần hiện tại. Chi phí tăng cũng sẽ đẩy giá sản phẩm leo thang.
Tổng thống Donald Trump đã áp dụng thuế quan như một cách để đưa việc làm trở lại Hoa Kỳ, nhưng lệnh trừng phạt trả đũa của Trung Quốc chỉ làm nổi bật thêm tính dễ bị tổn thương của ngành sản xuất của Mỹ.
Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến Hoa Kỳ, khi Nhật Bản nhập khẩu 60% nguồn tài nguyên cần thiết từ Trung Quốc. Quốc gia này đã trải qua một cuộc khủng hoảng tương tự vào năm 2010, khi Bắc Kinh hạn chế nguồn cung do tranh chấp lãnh thổ.
Châu Âu cũng phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc cho nền kinh tế xanh của mình (Siemens sản xuất turbine gió hay Volkswagen chế tạo xe điện). Bất chấp Australia và Canada đang tăng sản lượng kim loại đất hiếm, nhưng quá trình chế biến vẫn phụ thuộc vào công nghệ của Bắc Kinh.
Trung Quốc đang tích cực đưa ra các điều khoản cung cấp ưu đãi cho một số quốc gia ở châu Á và châu Phi để giữ họ trong quỹ đạo của mình.
Hạn chế không phải là lệnh cấm hoàn toàn mà là một công cụ chính sách. Hệ thống cấp phép giúp cắt giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ một cách có chọn lọc trong khi vẫn duy trì nguồn cung cho những người mua khác như Hàn Quốc hoặc các cường quốc ở Nam Bán cầu.
Nói cách khác, Bắc Kinh đang sử dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực đất hiếm làm đòn bẩy trong những cuộc đàm phán, báo hiệu rằng họ sẵn sàng thắt chặt các hạn chế trả đũa trong tương lai.