Tổ chức như thi thật
Dù thi thử, nhưng từ khâu ra đề đến tổ chức thi đều được nhà trường, địa phương triển khai nghiêm túc, bám sát theo quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT.
Theo cô Phan Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành, Bến Tre), hầu như các trường trên địa bàn đều tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT. Kỳ thi được tổ chức bài bản, nghiêm túc, cách thức như thi thật (ví dụ phòng thi bố trí 24 học sinh, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, mỗi phòng thi 2 giám thị…).
Nhà trường sẽ dựa vào cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT để nắm được tỷ lệ học sinh thi trượt. Căn cứ kết quả thi thử, các trường có giải pháp trong tổ chức dạy học thời gian tiếp theo. Nhiều trường tổ chức dạy riêng cho trò có điểm thấp trong kỳ thi thử và dạy thêm tại trường theo quy định cho học sinh khối 12 có nhu cầu bổ sung kiến thức.
Thầy Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) khẳng định tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT khá cần thiết. Đây là bước tập dượt cả về tinh thần, thái độ, ý thức chấp hành quy chế thi, tâm thế, kiến thức, kỹ năng làm bài thi của học sinh… Với giáo viên, thầy cô được tập dượt quy trình, nghiệp vụ thi, kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra khi thi thật.
“Tại Thái Bình, mấy năm gần đây, sở GD&ĐT tổ chức thi thử tốt nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh, có thanh tra giám sát, lãnh đạo đơn vị khác tham gia khâu coi thi… Với Trường THPT Nguyễn Huệ thường tổ chức ít nhất 2 lần thi thử. Mỗi lần như vậy, nhà trường rút ra nhiều kinh nghiệm, không chỉ trong công tác tổ chức thi mà cả thay đổi kế hoạch dạy học, ôn tập”, thầy Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.
Năm nay, Thanh Hóa sẽ tổ chức 2 đợt thi thử, dự kiến trong tháng 3 và tháng 5. Đây là hoạt động cần thiết giúp nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT. Chia sẻ điều này, thầy Thiều Ánh Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) cho biết, nhà trường đã hoàn thành đợt khảo sát sau khi kết thúc học kỳ I.
Trên cơ sở đó, ban giám hiệu chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn, giáo viên điều chỉnh nội dung chương trình ôn tập, phương pháp dạy học, phân loại để có kế hoạch tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém, nâng cao trình độ với em có năng lực để đạt kết quả tối ưu nhất. “Chúng tôi đã tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ngay từ đầu năm học cho học sinh khối 12, thời lượng 2 tiết/tuần với các môn thi”, thầy Thiều Ánh Dương cho hay.
Tại Phú Thọ, thông tin từ thầy Tạ Duy Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (huyện Tam Nông) trong những năm, qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT.
Với đặc thù chất lượng đầu vào thấp nên Trường THPT Mỹ Văn ngoài tham gia 2 lần thi thử do sở GD&ĐT tổ chức còn tự tổ chức thêm 3 lần thi thử với mong muốn học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi chính thức. Việc tổ chức thi thử được phụ huynh và học sinh đồng tình ủng hộ. Căn cứ kết quả thi thử, nhà trường phân luồng và điều chỉnh kế hoạch dạy ôn thi cho phù hợp.
Ảnh minh họa ITN. |
Có thêm áp lực?
Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của những lần thi thử. Học sinh được làm quen đề thi, không khí kỳ thi, tập đối mặt áp lực tâm lý thi cử và hiểu rõ năng lực của mình để phấn đấu. Tuy nhiên, việc tham gia quá nhiều đợt thi, điểm số trong các kỳ thi thử cũng tạo cho học sinh nhiều áp lực. Nhiều em thay đổi nguyện vọng vì điểm thi thử thấp so với điểm chuẩn các năm của trường có ý định đăng ký.
Chia sẻ điều này, cô Phan Thúy Hằng lưu ý, việc tổ chức thi thử cần hết sức thận trọng, chỉ nên giúp thí sinh làm quen với đề thi và kỳ thi, đừng để học sinh thêm lo lắng. Điều hết sức quan trọng là bảo đảm đề thi thử giống đề thi thật càng tốt. Thực tế, các kỳ thi thử do trường tổ chức, giáo viên thường ra đề khó hơn các năm.
Nhiều trường cho rằng, đề khó, điểm thấp, các em sẽ cố gắng ôn luyện nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu chất lượng đề thi thử không đáp ứng yêu cầu sẽ không đánh giá đúng năng lực của học sinh. Khó quá hay dễ quá cũng đều ảnh hưởng không tốt tới tâm lý. Các trường không nên nhìn vào điểm số mà cần hướng dẫn học sinh quen với đề thi, hệ thống hóa kiến thức. Các trường cần quán triệt tinh thần này nhằm tạo tâm thế tốt nhất để học sinh bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Cũng quan tâm đến cách thức tổ chức thi thử, thầy Nguyễn Văn Hoàng cho rằng, không nên tổ chức quá nhiều lần tránh tốn kém và áp lực cho học sinh. Sau khi thi thử, nhà trường, giáo viên cần rút kinh nghiệm, nhất là lỗi học sinh hay mắc phải để làm bài tốt hơn. Đồng thời, dự đoán các tình huống xảy ra khi thi, dạng đề, dạng bài tập, câu hỏi…; động viên tạo động lực cho học sinh. Không nên lấy kết quả bài làm để đánh giá, vô tình tăng thêm áp lực cho các em.
Thầy Nguyễn Văn Hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đề thi và cho rằng, đề cần bao phủ chương trình đã học, tiệm cận với đề thi tốt nghiệp THPT chính thức các năm và đề minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố. Các nhà trường nên thành lập ngân hàng câu hỏi, lấy dữ liệu từ ngân hàng câu hỏi, bám sát cấu trúc hướng dẫn, theo đúng ma trận đặc tả… để xây dựng đề thi.
Cùng quan điểm về đề thi trong bảo đảm chất lượng của kỳ thi thử, theo thầy Thiều Ánh Dương, nhà trường giao tổ chuyên môn chọn, cử giáo viên có kinh nghiệm trong ôn tập tốt nghiệp THPT để ra đề, bám sát đề thi các năm và đề minh họa. Đồng thời, trường cũng cử giáo viên phản biện đề, làm rất chặt chẽ, để làm sao đề thi thử có chất lượng tốt nhất, đánh giá sát nhất năng lực người học. Có đánh giá đúng năng lực, giáo viên mới nắm được chất lượng thật của học sinh lớp mình, từ đó có căn cứ giảng dạy, ôn tập phù hợp.
“Hiệu quả thể hiện rõ ở việc, những năm qua, kết quả các môn thi trong kỳ khảo sát của nhà trường gần sát với kết quả thi thật”, thầy Thiều Ánh Dương chia sẻ và lưu ý thêm đến công tác coi thi, tổ chức thi cũng cần làm bài bản như thi thật. Không dùng điểm thi thử để đánh giá kết quả mà chỉ nhằm giúp các em biết khả năng của mình, từ đó có kế hoạch học và ôn tập phù hợp. Cũng cần chấn chỉnh với những trường lạm dụng tổ chức thi quá nhiều, dễ dẫn đến tác dụng ngược.