Tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non: không dễ

Tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non: không dễ

Vẫn còn nhiều cái khó

Việc giáo dục trẻ nhỏ về những giá trị của môi trường sống, giúp trẻ được gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu và học cách hòa nhập với môi trường xung quanh là vô cùng cần thiết. Quá trình giáo dục này có thể tiến hành thông qua nhiều hoạt động khác nhau nhưng hoạt động ngoài trời vấn được coi là hoạt động có nhiều ưu thế. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tổ chức các hoạt động chơi ngoài trời ở nhiều trường mầm non hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy được hết những tác dụng tích cực.

Điều kiện vật chất khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến các nội dung hoạt động ngoài trời ở nhiều trường mầm non, nhất là các trường mầm non ở nông thôn vô cùng nghèo nàn. Ở các vùng thôn quê, nhiều trường mầm non thiếu, thậm chí có trường không có đồ chơi ngoài trời cho các cháu. Nhiều sân trường nền đất hoặc nền gạch xuống cấp không đảm bảo an toàn cho các cháu vui chơi nên giáo viên nhiều khi không tổ chức cho trẻ hoạt động ngoài trời hoặc chỉ cho trẻ ra sân trong một thời gian ngắn.

Cô Nguyễn Thị Chát, hiệu trưởng Trường mầm non Liên Phong (Tiên Lãng, Hải Phòng) tâm sự: Trường có 5 điểm lẻ, hầu hết là học nhờ, học tạm. Trường có sân chơi rộng nhưng hầu hết đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho các cháu khi chơi ngoài trời. trong số 5 điểm lẻ, chỉ có duy nhất khu lẻ Liên Phong ở thôn Bắc Phong là được trang bị hai bộ đồ chơi ngoài trời nhưng đã quá cũ kỹ. Chính vì vậy, hoạt động chơi ngoài trời cho các cháu trong trường chỉ đơn giản là cho trẻ quan sát thiên nhiên bên ngoài và tổ chức cho trẻ tham gia một số trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, tìm chỗ ngồi, kéo co… Theo kế hoạch chủ điểm của tháng, mỗi tháng hai lần các cháu được tham gia hoạt động ngoài trời bên ngoài nhà trường như đến thăm các trang trại, ruộng vườn, đền chùa… Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, phương tiện đi lại khó khăn nên chỉ tổ chức cho các cháu đi đến những địa điểm quanh quẩn trong xã. Không phải chúng tôi, không hiểu được tầm quan trọng của những hoạt động hết sức bổ ích và lý thú với trẻ này, song thực tế khó khăn khiến chúng tôi chưa có điều kiện để đầu tư thích đáng.

Khuôn viên rộng nhưng thiếu đồ chơi (Trường mầm non An Bồi, Thái Bình)
Khuôn viên rộng nhưng thiếu đồ chơi (Trường mầm non An Bồi, Thái Bình)

Thực tế cho thấy, những hoạt động ngoài trời trong các trường mầm non chưa được tổ chức tốt, ngoài hạn chế về cơ sở vật chất, diện tích trường chật hẹp, môi trường hoạt động chưa phong phú, phương tiện vật chất thiếu thốn, số lượng trẻ trên một lớp lại quá đông… còn có lý do về trình độ và sự linh hoạt của giáo viên khi giải quyết các tình huống. Nhận thức của trẻ trong lớp không đồng đều, ví dụ lớp ghép, lớp có trẻ thiếu năng trí tuệ.. cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho các cô khi tổ chức chơi ngoài trời cho trẻ. Một số phụ huynh lại chưa thực sự yên tâm và hợp tác với giáo viên trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Cũng có trường hợp, đôi lúc giáo viên phải cắt xén hoạt động ngoài trời để dành thời gian hoàn thành một số công việc khác của nhà trường.

Giảng viên khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chị Nguyễn Thu Hà cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động ngòai trời không hiệu quả là các loại hình hoạt động cũng như nội dung còn nghèo nàn, đơn điệu nên không hấp dẫn được trẻ. Thông thường, giáo viên chỉ tổ chức cho trẻ chơi tự do với các đồ chơi sẵn có trên sân trường hoặc tự do vẽ trên sân. Khi trẻ hoạt động, giáo viên lại chỉ đóng vai trò là người quản lý và giám sát trẻ chơi an toàn trong khoảng không gian mà giáo viên đã định sẵn còn về mặt nội dung và chất lượng không mấy được trú trọng.

Hoạt động thực sự hiệu quả - giải pháp nào?

Trong một nghiên cứu của mình, chị Thu Hà, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non, trong đó nhấn mạnh việc khảo sát, lên kế hoạch và điều chỉnh môi trường hoạt động ngoài trời; tổ chức cho trẻ các hoạt động đa dạng với nội dung phong phú; khuyến khích trẻ tham gia đánh giá hiệu quả của quá trình hoạt động và tăng cường sự trao đổi hợp tác giữa các giáo viên. Theo chị Hà, môi trường hoạt động ngoài trời có sẵn rất nhiều yếu tố nhưng không phải lúc nào những yếu tố đó cũng được có thể sử dụng đuợc ngay vào các hoạt động nhằm đạt một mục đích giáo dục cụ thể mà giáo viên đặt ra. Nhưng, với những yếu tố đó, nếu giáo viên có sự tác động để cải tạo, sắp xếp lại, khai thác tiềm năng thì sẽ tạo được hứng thú cho trẻ, kích thích trẻ hoạt động. Chỉ cần giáo viên thực sự là người có tâm huyết, say mê sáng tạo các loại hình hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, gần với thế giới trẻ thơ thì giờ hoạt động ngoài trời sẽ thực sự là một hoạt động bổ ích, hứng thú với trẻ.

Các em chăm sóc cây cảnh (Trường MG Chim Non, Hà Nội)
Các em chăm sóc cây cảnh (Trường MG Chim Non, Hà Nội)

Chị Hà cho rằng, có thể làm phong phú thêm cho các hoạt động ngoài trời bằng việc tổ chức cho trẻ các hoạt động đa dạng với nội dung phong phú. Đó có thể là hoạt động dạo chơi (cho trẻ đi thăm các bảo tàng, công viên, làng nghề…). Hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp trẻ tự học được nhiều điều hơn về thế giới xung quanh và về chính bản thân trẻ. Đó cũng có thể là những hoạt động lao động (như chăm sóc cây cảnh, tu sửa vườn… ), tạo ra cho trẻ nhiều cơ hội được hoạt động phục vụ bản thân và giúp đỡ người khác, từ đó trẻ cảm nhận được ý nghĩa của lao động và có tình cảm tích cực với hoạt động này, đồng thời tập cho trẻ thói quen làm việc có mục đích và kế hoạch.  Bên cạnh đó cũng có thể cho trẻ trực tiếp thực hiện các thí nghiệm. Ví dụ với chủ đề về thế giới thực vật, trẻ có thể làm các thí nghiệm về không khí, ánh sáng, nước với sự phát triển của cây; hạt nào có thể nẩy mầm; từ một cành có phát triển thành cây không?… Cũng có thể cho trẻ tham gia các trò chơi. Có nhiều dạng trò chơi mà giáo viên có thể khai thác để tổ chức cho trẻ như: trò chơi học tập, trò chơi vận động, trò chơi khoa học, trò chơi dân gian… Ngoài ra, tổ chức cho trẻ sáng tạo nghệ thuật ở không gian bên ngoài phòng học cũng là sự thay đổi môi trường giúp trẻ được gần gũi hơn với thiên nhiên và cuộc sống, tăng cường cảm hứng sáng tạo và tình yêu thiên nhiên cho trẻ. Sáng tạo nghệ thuật trong giờ hoạt động ngoài trời theo hình thức hoạt động tự do  với các vật liệu tạo hình sẽ giúp trẻ độc lập thể hiện những cảm nhận của mình về những gì đang trực tiếp diễn ra trước mắt một cách tự nhiên…

Hoạt động ngoài trời có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ của trẻ. Để hoạt động này có hiệu quả, ngoài sự quan tâm của nhà trường còn rất cần sự nhiệt tình và hoạt động sáng tạo không ngừng của mỗi người giáo viên.

N.N

Trải nghiệm mùa hè công nghệ

Trải nghiệm mùa hè công nghệ

GD&TĐ - Chương trình “Trải nghiệm mùa hè công nghệ cho trẻ em tại Đông Anh” với nhiều hoạt động thu hút được đông đảo phụ huynh, học sinh và giáo viên.