Tình trạng suy kiệt ở giáo viên

GD&TĐ - Công việc giáo viên liên tục xử lý tình huống căng thẳng từ học sinh và phụ huynh, cũng như chuyên môn, dẫn đến căng thẳng và suy nhược thần kinh.

Các kết quả tự đánh giá về trầm cảm, lo âu và căng thẳng của giáo viên khá cao. Ảnh minh họa: INT
Các kết quả tự đánh giá về trầm cảm, lo âu và căng thẳng của giáo viên khá cao. Ảnh minh họa: INT

Tưởng chừng dạy học là công việc nhẹ nhàng, ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thực chất, các thầy cô luôn bị đeo bám bởi nhiều căn bệnh dai dẳng, bao gồm suy kiệt và stress.

Tỷ lệ suy kiệt là 12%

Công việc giáo viên liên tục xử lý nhiều tình huống căng thẳng từ học sinh và phụ huynh, cũng như chuyên môn, dẫn đến căng thẳng và suy nhược thần kinh. Từ đó, thầy cô rất dễ bị kiệt sức, mệt mỏi và đau đầu, thậm chí là cả rối loạn giấc ngủ và lo âu.

Kiệt sức cũng là tình trạng chung của nhiều giáo viên mầm non hiện nay, khi họ ngày càng giảm sự quan tâm và cam kết với nghề nghiệp. Điều này được thể hiện qua con số hơn 16.000 giáo viên bỏ việc năm 2022. Trong đó, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có tới 40% là giáo viên mầm non.

Năm 2021, nhóm tác giả tại Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Mầm non Quốc tế Sài Gòn đã thực hiện nghiên cứu về tình trạng suy kiệt trên giáo viên mầm non và tiểu học. Các tác giả bao gồm: Trần Thị Minh Đức, Ngô Thị Thùy, Nguyễn Thành Đức, Phạm Thị Anh Đào.

Cuộc khảo sát thực hiện trên giáo viên mầm non và tiểu học cho thấy, tỷ lệ suy kiệt nhìn chung là 12%.

Trong khi đó, những công bố nghiên cứu của một số tác giả trên thế giới với các công cụ đo suy kiệt khác nhau (đều được đánh giá đáng tin cậy) cho thấy, tỷ lệ suy kiệt trên giáo viên mầm non Iraq là 24,5% (Al-Asadi và cộng sự, 2018); Serbia là 27,1% (Terzic-Supic và cộng sự, 2020b). Khoảng 50% giáo viên trong tình trạng suy kiệt ở Thụy Điển (Arvidsson và cộng sự, 2016).

Ở Trung Quốc (nghiên cứu trên một vùng), tỷ lệ giáo viên mầm non suy kiệt là 53,2% (Li và cộng sự, 2020).

Theo nhóm nghiên cứu, suy kiệt là một hội chứng tâm lý, là kết quả của sự căng thẳng kinh niên tại nơi làm việc, dẫn đến trạng thái mệt mỏi, kiệt quệ về thể chất và tâm lý. Ba thành phần của suy kiệt thể chất và tâm lý có liên quan mạnh mẽ tới tổng mức suy kiệt.

Chúng có tỷ lệ và mức độ biểu hiện khác nhau. Trong đó, suy kiệt cá nhân được báo cáo cao nhất. Sau đó, suy kiệt công việc và đồng nghiệp có tỷ lệ giáo viên báo cáo là thấp nhất. Nhìn tổng thể, các biến số nhân khẩu như trình độ học vấn của giáo viên, môi trường dạy học, số năm kinh nghiệm dạy học và cấp dạy không ảnh hưởng đến việc giáo viên có suy kiệt hay không.

Tuy nhiên, xem xét theo các thành tố của từng dạng suy kiệt, thì trình độ học vấn ở các cấp độ khác nhau như phổ thông/trung cấp, cao đẳng hay đại học/trên đại học có ảnh hưởng tới khả năng bị suy kiệt khác nhau ở giáo viên. Trong đó, bị suy kiệt nhiều nhất là ở nhóm giáo viên có trình độ cao đẳng.

Nhóm ít bị suy kiệt hơn đó là những giáo viên có trình độ thấp hơn. Các biểu hiện suy kiệt và các thành phần của suy kiệt có mối tương quan chặt chẽ với những biểu hiện của trầm cảm, lo âu và căng thẳng của giáo viên. Điều này phản ánh xu hướng tăng suy kiệt ở giáo viên sẽ kéo theo các biểu hiện rối loạn của trầm cảm, lo âu và căng thẳng.

Nghiên cứu được thực hiện trong thời điểm Covid-19 chưa bùng nổ ở Việt Nam. Kết quả đã chỉ ra một tỷ lệ giáo viên mầm non và tiểu học bị suy kiệt ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, các kết quả tự đánh giá về trầm cảm, lo âu và căng thẳng của giáo viên lại khá cao.

Chăm lo đến sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên mầm non là việc làm rất quan trọng. Ảnh minh họa: ITN

Chăm lo đến sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên mầm non là việc làm rất quan trọng. Ảnh minh họa: ITN

Tầm quan trọng của sức khỏe thể chất

Theo tác giả Bùi Thị Việt - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), quan tâm, chăm lo đến sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên là việc làm rất quan trọng trong mỗi cơ sở giáo dục mầm non.

Giáo viên có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt thì mới tổ chức thực hiện được công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tốt, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. UNICEF đã ưu tiên chiến lược cho giai đoạn 2022 - 2026 là sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Thông qua khảo sát, dù làm việc ở trường công lập, tư thục hay trường mầm non có yếu tố nước ngoài, các giáo viên đều nhấn mạnh: “Sức khỏe thể chất là sự thoải mái và sảng khoái của cơ thể, có sức khỏe tốt, có thể được nghỉ ngơi đúng lúc, đúng thời điểm”.

Khỏe mạnh về tinh thần là không bị áp lực về công việc và cuộc sống, luôn có suy nghĩ, ý thức tích cực. Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần luôn đi đôi với nhau. Có sức khỏe tốt thì mới có một tinh thần tốt.

Tác giả Bùi Thị Việt nhận định, thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non đã cố gắng làm khá nhiều việc để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những việc làm mang tính hình thức, chưa thực sự nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho giáo viên. Do đó, các cơ sở giáo dục mầm non cần làm thêm nhiều việc nữa để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên.

Các trường mầm non không nên để tình trạng thiếu hụt nhân lực kéo dài, giáo viên phải choàng việc, làm thay, làm hộ, thậm chí cán bộ quản lí cũng xuống lớp phụ giúp các cô. Muốn trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, giáo viên mầm non cần được nâng cao chất lượng sống, công việc và sự cân bằng hài hòa các mối quan hệ trong môi trường trường học, xã hội.

Theo các tác giả nghiên cứu, Covid-19 đã làm giảm việc làm và thời gian làm việc của người lao động, trong đó có nhóm giáo viên mầm non và tiểu học. Điều này có thể đã làm gia tăng các rối loạn lo âu, trầm cảm và căng thẳng ở nhóm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.