Tinh thần thép và trái tim vàng của nữ thương binh

GD&TĐ - Tham gia Cách mạng từ khi còn khá trẻ, sau ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Châu (còn gọi là Tư Châu), 77 tuổi, ngụ ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng cho đến khi về hưu. Sau hơn 20 năm dành dụm, bà có trên 150 triệu đồng và đã dùng số tiền này vào việc xây cầu, làm đường ở địa phương giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại. 

Bà Tư Châu
Bà Tư Châu

Một lòng theo cách mạng

Nhà bà Tư Châu rộng chỉ hơn chục mét vuông cạnh rạch Xẻo Sình. Bà Tư Châu kể, trước đây gia đình có hơn hơn 100 công ruộng và 20 con trâu kéo. Bà là con thứ tư trong nhà có 4 anh chị em. Việc làm ruộng và chăn trâu của gia đình đều do bà đảm nhận. Ngày trước, bà nội và cha bà đều tham gia cách mạng. Bà và người em cũng theo bước bà nội và cha khi còn rất trẻ.

Công việc ban đầu của bà là gửi thư, chèo ghe đưa bộ đội qua những cơ sở mật. Nhiều năm hoạt động bí mật, đến năm 1964, bà lập gia đình, rồi vô vùng giải phóng ở.

Vào đây, bà tiếp tục tham gia cách mạng. Bà đã vận động những binh sĩ của Mỹ giao nộp vũ khí cũng như cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho “phe ta”.

“Trong giai đoạn hoạt động cách mạng, tôi bị bắt không dưới 100 lần. Có lần bị bắt nhốt, tra tấn ở ty cảnh sát cả tháng trời do một người từng làm du kích ra chiêu hồi khiến nhân thân tôi bị lộ. Tiếp đến trong lần chèo ghe đưa tài liệu đi báo cáo cấp trên, không may tôi bị địch phát hiện, bắt và tra tấn làm gãy 4 chiếc răng, thương tích đầy mình…”, bà Châu nhớ lại những ngày gian khổ. Những thương tích ấy khiến bà Châu trở thành thương binh ¾.

Sau ngày hòa bình, bà Châu lần lượt nhận Huân chương Quyết thắng và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Sau nhiều năm cống hiến ở nhiều vị trí công tác, bà Châu đã xin nghỉ hưu trước tuổi để chăm sóc mẹ già đang bệnh nặng.

Dành hết lương hưu làm việc thiện

Thời điểm đầu, mức lương hưu bà nhận được chỉ khoảng 700 ngàn đồng/tháng, rồi đến nay tăng lên là 4,7 triệu đồng/ tháng. Bà Châu sống rất tiết kiệm, ăn uống đạm bạc và dành dụm khoản tiền đó phòng khi ốm đau.

Sau 20 năm, bà để dành được 150 triệu đồng. Một ngày, chứng kiến người dân đi lại khó khăn, học sinh phải lội sình, bơi xuồng một cách chật vật khi đến trường, bà quyết định đóng góp tiền cùng địa phương bắc 2 chiếc cầu và rải đá cấp phối đường nông thôn dọc rạch Xẻo Sình.

“Trước đây, do điều kiện đi lại khó khăn nên con cháu chỉ học đến lớp 5 - 6 là nghỉ. Đây là xã anh hùng và con đường được họp bàn thảo nhiều lần nhưng vẫn không thể thực hiện vì đói vốn. Thấy vậy, tôi lấy 80 triệu còn lại của mình và vận động con cái đóng góp thêm để đủ 100 triệu hùn vào làm đường”, bà Tư Châu kể.

Con đường rải đá do bà Châu khởi xướng thực hiện

Con đường rải đá do bà Châu khởi xướng thực hiện

Nhưng để rải đá 1,2km phải cần đến 150 triệu nên bà Châu đã đi vận động người dân đóng góp thêm 50 triệu nữa. Riêng đoạn đường trước nhà, bà Châu đi mượn bạn cùng chung kháng chiến 10 triệu đồng. Trước khi bỏ tiền làm đường dọc rạch Xẻo Sình, bà Châu lấy hơn 60 triệu đồng trong số tiền hưu dành dụm đóng góp làm cầu Đức Hằng và Hai Quang.

Với tấm lòng tương thân, tương ái, bà Tư Châu còn hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Mỗi năm, bà bỏ 6 triệu đồng để mua gạo tặng cho người nghèo vào dịp Tết Nguyên đán. Mới đây, bà trích ra gần 20 triệu đồng mua bàn ăn, 60 cái mùng cho bệnh nhân ở bệnh viện phổi và tâm thần cũng như lợp tole cho 3 căn nhà.

Dù hết lòng giúp đỡ người nghèo nhưng bà Châu luôn dặn họ đừng tiết lộ việc làm của mình. “Có người nói với tôi, có lương hưu rồi nằm không ăn cho khỏe, mắc gì phải lội bộ làm hết chuyện này đến chuyện khác. Nghĩ lại cũng đúng nhưng do tánh mình thấy khổ thì không thể không giúp”, bà Tư Châu chia sẻ.

Ông Lê Cẩm Bình - Phó chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ - cho biết: “Nhờ cô Tư Châu mà đoạn đường ấp Hòa Dân từ sình lầy đã trở nên khô ráo, giúp người dân thuận lợi trong hai mùa mưa nắng. Cô là một tấm gương sáng cần được tuyên dương và học tập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ