Tràn lan thông tin “bóc phốt”
Thường xuyên lướt TikTok để tìm thông tin review về trường đại học, ngành học, Nguyễn Ngọc Thảo Linh (học sinh lớp 12, TP Biên Hòa, Đồng Nai) hoang mang trước loạt thông tin “bóc phốt” các trường theo hướng tiêu cực. Linh kể, ban đầu em xem 2 - 3 video review “bóc trần góc khuất” các trường đại học bởi vì tò mò, cùng với sự hấp dẫn trong cách thể hiện của người sáng tạo nội dung. Sau đó, trang TikTok của nữ sinh xuất hiện hàng loạt các video tương tự.
Khi tìm các từ khóa như “phốt trường đại học”, “sự thật về các trường đại học”, người dùng dễ dàng tìm được hàng trăm video có nội dung tương tự. Đơn cử như tài khoản TikTok dodaihoc_29xxx đăng tải 12 video với nội dung “mặt tối của các trường đại học”. Hàng loạt các trường đại học lớn được TikToker này “điểm mặt”.
“Nhiều trường trong số đó là mục tiêu em hướng tới trong mùa tuyển sinh năm nay, nên thật sự em rất hoang mang khi đọc tin. Ngay cả các trường danh tiếng, được nhiều người khen ngợi nhất cũng bị chê tơi tả thì không biết các trường khác ra sao”, nữ sinh Thảo Linh trăn trở.
Không chỉ trường đại học, ngành học cũng là “nạn nhân” của nhiều người sáng tạo nội dung trên TikTok, khi họ liệt kê hàng loạt các ngành vô dụng. Trần Đức Tuấn (Quận 3, TPHCM) cho biết, trào lưu “những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam” nở rộ từ hồi tháng 2 - 3, nay có xu hướng trở lại khi gần thời điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Theo đó, Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân sự, Marketing, Ngôn ngữ Anh… là những ngành được nhắc đến nhiều nhất trong trào lưu này, khi các TikToker cho rằng: Học ngành nào cũng có thể làm được những nghề do các ngành này đào tạo.
Theo giải thích của một TikToker: Ngành Quản trị kinh doanh rất chung chung, ra trường thì chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp đó là sales (bán hàng) và marketing nhưng mà thực chất hiện giờ, bạn muốn làm sales hay marketing thì học bất cứ ngành nào ra làm cũng được.
Ngành Ngôn ngữ Anh thì được cho là vô dụng bởi hiện nay ai cũng có thể sử dụng tiếng Anh mà không cần học chuyên sâu ngoại ngữ. “Em đang tính chọn ngành Quản trị kinh doanh nhưng xem được video này thì thấy phân vân. Vì đúng như họ nói thì khả năng mình thất nghiệp sau khi ra trường rất cao, hoặc là khó xin việc”, Đức Tuấn cho biết.
Một video liệt kê các trường có bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam. Ảnh: Chụp màn hình TikTok |
Tìm nguồn thông tin chính thống
TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định, cho rằng, trên mạng xã hội nói chung và TikTok hiện có 2 xu hướng review trường, ngành học được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Một là các review các điểm tốt, hấp dẫn ở các trường. Hai là “bóc phốt” những hiện tượng tiêu cực. Và những video “bóc phốt” thường gây hoang mang cho thí sinh, phụ huynh.
Theo TS Toàn, những người làm nội dung dạng này thiếu thông tin, dữ liệu cần thiết để đưa ra nhận định. Họ thường quy kết hiện tượng thành bản chất. Ví dụ, họ lấy một câu chuyện chưa tốt của trường trong quá khứ để nhắc lại, biến nó thành đặc điểm của trường. “Nếu họ làm với mục đích câu view, tăng lượt theo dõi mà bất chấp thì họ đang vi phạm pháp luật vì đăng tin sai sự thật. Nhưng quan trọng hơn là nó mang lại tác động tiêu cực cho các em học sinh trong giai đoạn chọn nghề”, TS Toàn nhìn nhận.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cũng cho rằng, TikTok là mạng xã hội, thông tin mang đậm tính chất cá nhân nhiều hơn là thông tin chính thức. Những người làm nội dung “bốc phốt” trường đại học hoặc ngành học vô dụng thường không hiểu biết về ngành nghề, hướng nghiệp và môi trường đại học. Chưa kể, những hiểu biết của họ về các trường thường phiến diện, không mang tính tổng quan và không đặt trong tương quan giữa các trường đại học với nhau. Do đó, các TikToker có thể nói “gần” đúng ở một vài trường hợp, khía cạnh chứ không phải đúng tất cả.
“Nếu nói là vô ích, vô dụng thì tại sao vẫn nhiều thí sinh chọn các trường bị nêu tên như vậy? Đáng tiếc là hiện nay, nhiều học sinh rất thích TikTok và thường cho rằng trên này, thông tin gì cũng đúng nên sẽ gây ra những hiểu lầm đáng tiếc khi chọn trường, chọn nghề”, ThS Sơn nói.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, trong giai đoạn này, học sinh lớp 12 cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra vào cuối tháng 6. Tiếp đó, các em nên tiếp cận các nguồn thông tin tuyển sinh chính thức từ các trường để có được quyết định sáng suốt cho việc chọn trường, chọn ngành.
TS Mai Đức Toàn cho rằng, năng lực, sở thích và hoàn cảnh kinh tế gia đình là 3 yếu tố học sinh, phụ huynh cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn trường, ngành học. Để lựa chọn trường, học sinh nên xem trên các kênh thông tin chính thống của trường đại học, gồm: Cổng thông tin tuyển sinh; các kênh mạng xã hội chính thức; các buổi tư vấn tuyển sinh. Nơi đây sẽ có thông tin về ngành học, điểm chuẩn qua các năm, chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, học phí, môi trường học tập trải nghiệm để học sinh, phụ huynh có những hình dung tốt nhất.