“Bóc phốt” nhà trường?

GD&TĐ - Chỉ trong thời gian ngắn, ở Đà Nẵng liên tiếp diễn ra 3 sự việc liên quan đến hiện tượng “ăn miếng trả miếng” giữa phụ huynh học sinh và cơ sở giáo dục. Điểm chung của cả 3 vụ việc này là ngoài quan hệ dạy – học, giữa phụ huynh và những cơ sở giáo dục này còn là quan hệ “dịch vụ”. 

Ảnh INT
Ảnh INT

Dù là dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, phụ huynh vẫn đóng vai trò “khách hàng”. Và khi “khách hàng” cảm thấy không hài lòng về dịch vụ thì cơ sở giáo dục “lãnh đủ”, ít nhất là trên mạng xã hội. 

Chỉ sau khai giảng năm học khoảng một tuần lễ, một trường mầm non tư thục bị phụ huynh “tố” cháu mình bị bạo hành và bỏ đói trẻ trong nhiều ngày liền. Bà ngoại của cháu đã đến trường xem camera cả 3 bữa ăn trong ngày, thấy cháu vẫn ngồi ăn cùng các bạn, thời gian ăn của cháu kéo dài hơn, khi các bạn cùng nhóm trẻ đã đi ngủ nhưng rồi vẫn quyết định cung cấp thông tin đến cơ quan báo chí. Theo như hiệu trưởng nhà trường là do trong quá trình trao đổi, giữa chủ trường và bà ngoại cháu bé có lời qua tiếng lại dẫn đến thách thức sẽ đưa thông tin lên mạng xã hội để cho trường “sập” luôn.

“Cho trường sập luôn” cũng là cách mà một phụ huynh trao đổi với bộ phận tiếp nhận thông tin của Trường Mầm non Ngôi Sao Xanh khi đến trường phản ánh con mình bị cô giáo đánh lần thứ 2. Khi nhận được câu trả lời rằng việc đó ngoài tầm kiểm soát của nhà trường, gia đình muốn làm gì thì làm, phụ huynh này đã dùng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook để “bóc phốt” nhà trường. Trong đó, có những cụm từ rất dễ gây hiểu nhầm như cho rằng GV dùng “dụng cụ chà bồn” để chà trên mặt bé. Nhiều comment đã bức xúc khi nghĩ rằng đây là dụng cụ chà bồn cầu.

Mới đây nhất là “cú tát” của một phụ huynh với chủ một cơ sở đào tạo năng khiếu, nghệ thuật (Trung tâm Mun Art Academy) khi không được giải thích thỏa đáng về sự vắng mặt của con mình trong buổi biểu diễn tổng kết khóa học. Có thể hiểu được những phản ứng nóng nảy của phụ huynh về sự an toàn của con mình – một đứa trẻ mới 6 tuổi trong 2 tiếng đồng hồ chỉ có một mình, ở một khu nhà phức hợp rất nhiều người ra vào, trong đó có cả người nước ngoài.

Cũng có thể hiểu được sự giận dữ, bức xúc vì trong quá trình trao đổi sau đó, vị phụ huynh này cho rằng mình bị xúc phạm vì chủ trung tâm cho rằng, phụ huynh khi nói chuyện cần phải có trình độ, có hiểu biết và ăn nói có giáo dục. Những cuộc nói chuyện điện thoại, thậm chí là nội dung buổi họp giữa 2 bên sau đó đã được vị phụ huynh này đăng tải trên mạng xã hội liên tục trong một thời gian dài vì không hài lòng với những ứng xử của Trung tâm Mun Art Academy.

Dễ nhận thấy rằng, trong sự so sánh giữa các cơ sở giáo dục công lập và tư thục, mức học phí của trường tư cao hơn nhiều so với trường công và thường nhắm vào phân khúc phụ huynh có thu nhập khá trở lên. Những dịch vụ đi kèm phục vụ cho việc chăm sóc vì vậy cũng được đầu tư cao hơn, trang thiết bị phục vụ cho dạy – học tốt hơn. Và phụ huynh thường có tâm lý đã “đắt thì xắt ra miếng” khi biết rằng mỗi HS là một đơn vị kinh tế của nhà trường. Trong thời buổi mạng xã hội có sức ảnh hưởng đến chóng mặt, nhiều phụ huynh đã “tận dụng” tài khoản cá nhân cũng như các trang của hội, nhóm để “bóc phốt” hòng hạ uy tín của chủ trường cũng như thương hiệu của nhà trường.

Phản ứng nóng nảy của phụ huynh có thể xuất phát từ những cái sai của phía bên kia, như cô giáo xử lý tình huống sai phương pháp sư phạm, không giải thích thấu đáo với phụ huynh, không biết cách làm dịu tình huống… là những nguyên nhân đẩy sự việc đi quá xa. Dễ dàng thấy rằng, trong những câu chuyện về phụ huynh hành hung, xúc phạm giáo viên, người bị tổn thương và thiệt thòi nhất, không ai khác, chính là con trẻ, khi người lớn là bố - mẹ lại có những hành vi ứng xử lệch chuẩn.

Trước những bức xúc của phụ huynh, nếu người quản lý thân thiện, có kinh nghiệm, biết cách lắng nghe, trao đổi thì tâm lý của phụ huynh sẽ khác hẳn. Cán bộ quản lý, vì vậy, cần có những cuộc trao đổi kỹ năng xử lý trong những tình huống bức bách để giảm áp lực cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ