Thầy Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kbang cho biết: Qua việc kiểm soát chất lượng giáo dục hàng năm để đánh giá thực chất việc học sinh nắm chắc kiến thức hay không, nhất là những em học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả cho thấy kĩ năng nghe, nói, đọc, viết của các em còn chưa thành thạo.
Để biết được chất lượng có thực hay không, trong những năm qua Phòng đã đổi mới cách thức kiểm tra.
Theo đó, thay vì kiểm tra trên sổ sách, bảng điểm thì chúng tôi đã khảo sát các em học sinh bất kì ở các lớp để đánh giá đúng năng lực của từng em và chất lượng đầu vào…
Mới đầu thực hiện thì kết quả đánh giá rất thấp, chính vì vậy với phương án thống nhất là các trường có thể chủ động dạy thêm, phụ đạo cho các em, nhất là các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ sự tận tụy trong việc dạy thêm miễn phí của các cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện Kbang mà công tác giáo dục vùng cao như được trỗi dậy. Tỉ lệ học sinh đồng bào nghe, nói, đọc viết đều đã cải thiện rất nhiều."
Các thầy cô giáo huyện Kbang thường tranh thủ những thời gian rảnh để dạy phụ đạo, dạy thêm miễn phí cho các học sinh vùng cao
Thầy Nguyễn Trọng Hoàng (Phó Hiệu trưởng trường Kon Lơng Khơng (xã Kon Lơng Khơng, huyện Kbang) chia sẻ: "Hàng năm, trường đã tổ chức khảo sát chất lượng để lên kế hoạch tổ chức lịch dạy thêm, dạy phụ đạo cho các em học sinh.
Tùy theo điều kiện thời gian của các thầy cô để tổ chức dạy thêm, nhưng theo các thầy cô thống nhất 2 buổi/tuần. Nếu có lớp nào yếu thì giáo viên có thể dạy thêm nếu cần. Các thầy cô trong nhà trường đều với tinh thần tự nguyện dạy thêm, phụ đạo mà không cần một khoản phụ cấp nào.
Các thầy cô giáo huyện Kbang thường tranh thủ những thời gian rảnh để dạy phụ đạo, dạy thêm miễn phí cho học sinh vùng cao
Dù ở cách xa nhà hàng chục cây số nhưng cô Nguyễn Thị Bích (nhân viên Thư viện trường TH Kon Lơng Khơng) vẫn tranh thủ lên mở thư viện để đưa sách truyện cho các học sinh đọc. Đặc biệt, cô Bích trước cũng là một giáo viên nhưng do sức khỏe nên cô được phân công làm cán bộ thư viện. Nhưng ngoài giờ làm việc thì cô Bích đã cùng với cô giáo chủ nhiệm kèm cặp các học sinh yếu kém.
"Tôi đã gắn bó với các em học sinh đồng bào ở xã nghèo này hàng chục năm rồi. Tuy vì lý do sức khỏe tôi không dạy được, nhưng tôi vẫn tranh thủ nếu có lớp nào yếu thì cùng hỗ trợ, phối hợp với cô giáo chủ nhiệm để kèm cặp từng em một…
Tôi thấy cách này rất hay nhưng đòi hỏi những giáo viên phải có tâm hy sinh thời gian công sức của mình để dạy miễn phí cho các em…", cô Bích bộc bạch.
Theo thầy Phạm Văn Hinh (Hiệu trưởng Trường PTDT BT và TH Kon Pne): "Với tính chất là trường nội trú, các giáo viên thường dạy 1 buổi/ngày. Nhưng ở đây 100% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ tiếp thu của em còn thấp vì vậy một buổi thì các em không thể tiếp thu kịp kiến thức.
Theo đó, nhà trường đã cùng với giáo viên tiến hành dạy phụ đạo kèm cặp thêm cho các em vào buổi chiều. Tối đến, tôi cũng phân công thêm cho các thầy cô đến từng phòng để giám sát các em học nhóm và cùng các em sinh hoạt chung, học các kĩ năng sống…".
"Tôi biết như vậy thì sẽ thiệt thòi cho các thầy cô, nhưng vì việc dạy thêm xuất phát từ tinh thần tự nguyện với mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Qua đóng góp ý kiến thì các thầy cô rất ủng hộ và công việc này đã gắn kết thêm tình cảm của những thầy giáo "cắm bản" với học sinh vùng cao…", thầy Hinh cho biết thêm.