(GD&TĐ) - Dân tộc ta vốn tôn sư trọng đạo, vai trò thầy cô giáo luôn được coi trọng. Cuộc sống biến thiên, có những trường hợp nào đó, mối quan hệ thầy – trò trở nên méo mó nhưng thật may trong cuộc đời này vẫn còn có vô số con người âm thầm tô son cho đạo thầy trò, khiến nó vẫn sáng đẹp lung linh...
Tình người đưa đò
Ba mươi năm theo nghề bảng đen phấn trắng,đến tuổi về hưu, ông Nguyễn Thanh Hòa - thường được mọi người ở An Phú Đông (TP.HCM) gọi bằng cái tên thân mật là ông Tám Hòa, vẫn còn nặng lòng lắm với những lứa học trò.
Ngày ấy, chưa có phà nối hai bờ quận 12 và quận Gò Vấp, từng lứa học sinh đến trường trong tâm thế lo lắng vì phải lội nước. Nói như ông bà xưa, “cái nghiệp đưa đò” nó vận vào người, nên nhìn thấy cảnh ấy, ông Tám Hòa bỏ công bỏ sức thuyết phục chính quyền, vận động gom góp xây nên bến phà này, để rồi, suốt 16 năm qua, phà đưa bao lứa học trò đến trường mà không thu một đồng bạc lẻ tiền phí.
Cũng như thầy Nguyễn Thanh Hòa, thầy Hồ Xuân Thành, giáo viên Trường tiểu học Hưng Khánh (Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn canh cánh nỗi niềm của người đưa đò dù đã đến tuổi dành cho bản thân sự an hưởng. Thầy nghĩ đến những em học sinh nghèo hiếu học của vùng quê nghèo khó này mà tự sắm sửa bàn ghế, dọn dẹp gian nhà mở lớp học miễn phí cho học sinh lớp 4, lớp 5 trong vùng. Dưới sự chỉ bảo của thầy, học sinh trong xóm, trong xã tiến bộ vượt bậc, nhiều nhà giáo khác lấy thầy làm tấm gương để noi theo.
Thầy Tôn Thân |
Những người thầy thâm niên là thế thì người trẻ cũng chẳng kém cạnh gì. Có dịp đến trường tiểu học Lộc Hòa, xã Lộc Hòa (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), hỏi thầy Võ Thanh Phú cắt tóc, hình như học sinh nào cũng biết. Học nghề lại từ ông dượng, định làm nghề tay trái, nhưng nhìn thấy các em ở đây đa phần là học sinh nghèo, tóc tai chẳng mấy gọn gàng, thầy Phú đã tận dụng thời gian rảnh sau mỗi buổi dạy của mình để cắt tóc miễn phí cho các em. Trích gần tháng lương mua bộ đồ nghề hớt tóc, thầy Phú trở thành “ông thầy hớt tóc từ đó”. Khi hớt tóc, thầy có thể tiếp cận học sinh, hiểu rõ tâm tư tình cảm của các em để giúp các đồng nghiệp khác dạy dỗ các em tốt hơn. Mới 26 tuổi, thầy Phú được đồng nghiệp đánh giá là một thầy giáo trẻ nhiệt tâm và rất có nghề. Năm học vừa qua, trường có cuộc bỏ phiếu bầu giáo viên được yêu thích nhất, thầy Phú là người được học sinh bỏ phiếu cao nhất.
Tại trường tiểu học Bắc Lý 2 (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), mỗi ngày lại có cảnh tượng vừa lạ lùng vừa đẹp đẽ, đó là các thầy giáo phải thay nhau cõng các em qua suối để đến trường. Để các em đến lớp, các thầy các cô phải cật lực động viên phụ huynh, vì vậy mà khi con đi học gần như tất cả các gia đình đều giao hết trách nhiệm cho thầy cô.
Trường nằm cách bản một con suối. Để các em không bỏ học, các thầy các cô hàng ngày đã trở thành “con đò”, đúng hiệu cõng các em qua suối, mùa hè cũng như mùa đông.
Thầy Võ Thanh Phú |
Lòng khách qua sông
Có một người thầy của những nhà khoa học nổi tiếng mà dù đã thành danh trên thế giới, họ vẫn nhắc tới ông với một niềm yêu kính vô hạn, đó là thầy Tôn Thân, giáo viên dạy toán cấp II của nhiều nhân vật nổi tiếng: GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Lê Hồng Vân, GS Vũ Đình Hòa, GS Đặng Vũ Minh, nhà báo Thu Uyên... Nhớ đến thầy, học trò Đặng Hoàng Trung (khóa học 1976 - 1977), một trong ba học sinh đầu tiên của thầy được huy chương Toán quốc tế (kỳ thi lần thứ 16), sau khi được đi học ở nước ngoài đã gửi về một kiện hàng toàn sách Toán, nặng 20kg, nhờ mẹ đưa tận tay thầy trước ngày 20.11. Ngày 19.11, trời mưa lớn, vậy mà phụ huynh của Trung vẫn đội mưa hơn 2 cây số mang đến cho thầy.
Khi nói về người thầy mà mình nhớ nhất trong đời, bác sĩ Đỗ Tiến Hải (Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM) đã bồi hồi nhắc đến tình cảm mà thầy Nguyễn Đức Tấn, trường chuyên văn - toán Đức Phổ (Quảng Ngãi) dành cho mình. “Hồi ấy, ngoài giờ dạy thầy phải làm nhiều việc khác để mưu sinh. Thế nhưng dạy kèm học sinh tại nhà, thầy khuyến khích: “Em nào học giỏi sẽ được miễn học phí” nên hầu hết chúng tôi đều được miễn học phí. Có bữa học khuya quá tôi còn ngủ luôn tại nhà thầy. Rồi thầy chuyển vào Sài Gòn, nhưng thầy vẫn quan tâm đến học trò cũ, nhất là những học sinh có gia cảnh khó khăn. Năm tôi học lớp 11, gia đình tôi rơi vào cảnh khốn khó, thầy gọi điện về bảo ba tôi là đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho tôi vô Sài Gòn học. Sống trong nhà thầy, ba đứa sinh viên chúng tôi được thầy coi như con. Lúc mới vào tôi muốn đi làm thêm nhưng thầy khuyên: “Tập trung học tốt trong giai đoạn đầu để được tuyển thẳng vào giai đoạn 2 đã, rồi thầy sẽ tìm việc cho con”. Khi tôi được tuyển thẳng vào ĐH Y dược TP.HCM, thầy giới thiệu chỗ dạy kèm cho tôi (thù lao đủ để tôi trang trải mọi chi phí học hành của mình trong suốt gần năm năm học còn lại). Thầy là thần tượng không chỉ của riêng một mình tôi mà còn là thần tượng của nhiều thế hệ học trò”.
Thầy Tôn Thân và GS Ngô Bảo Châu |
Thầy có công, trò chẳng phụ
Tuổi học sinh là lứa tuổi luôn muốn khẳng định mình nhưng do hiểu biết còn hạn hẹp, kinh nghiệm sống non nớt nên dễ mắc sai lầm. Sự tin tưởng từ người lớn, đặc biệt là của cha mẹ, thầy cô là một động lực giúp teen ý thức được những việc mình làm sao cho không phụ lòng mong đợi đó.
Nhờ vào câu nói đầy tin tưởng của cô giáo chủ nhiệm “Minh là một học sinh ngoan, tôi tin tưởng em ấy” mà H.Minh (CĐ Du lịch) trước đây vốn là 1 học sinh thuộc nhóm cá biệt của trường đã rũ bỏ những suy nghĩ sai lầm để trở về với con đường học hành.
Muốn đến gần học sinh, có đôi khi thầy cô cũng nên trở thành người bạn lớn, rút ngắn khoảng cách thầy trò. Như trường hợp thầy L.T của trường cấp 3 L.T.V (Hà Nội). Dù mới đi dạy không lâu nhưng thầy đã nổi tiếng khắp trường, không chỉ bởi trình độ học vấn mà còn cả sự thân thiện, dễ mến. Facebook của thầy hàng ngày “accept” không biết bao nhiêu “request xin kết bạn” của học sinh. Khoảng cách thầy trò dường như không còn nữa, chỉ thấy ở đó là tình anh em, thân thiết như thể gia đình.
Thầy cô dù có là người lớn thì đôi khi vẫn mắc phải sai lầm, và lúc đó sẵn sàng nói 2 chữ “xin lỗi” với trò. Q.Tùng (ĐH GT - VT) sẽ còn nhớ mãi cô giáo dạy Toán hồi cấp 2 của mình. Trong giờ Hình học, cô cho bài tập liên quan tới đường tròn, Tùng có 1 cách làm khác nhưng khi cậu bạn trình bày thì cô lại cho rằng cách đó sai và vô lí, rồi cô tự ái bỏ ra ngoài. Một lúc lâu thì thấy cô đi vào, nói: “Ừ cô nhầm, cách làm của em rất đúng. Cô xin lỗi nhé!”. Hóa ra trong lúc bỏ ra ngoài, cô đã lấy giấy bút và làm lại bài toán theo cách giải của Tùng. Kỉ niệm nhỏ vậy thôi nhưng mỗi lần nghĩ lại, Tùng lại thấy vui vui.
Khi thầy dạy dỗ trò bằng trái tim và cái tâm thì nhất định sẽ được nhận lại nhiều những trái tim và cái tâm của các thế hệ học trò. Đạo thầy trò nhờ thế mà đẹp mãi. |
Nhật My