Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc chuyện trò với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Trung tướng Phạm Xuân Thệ về những khoảnh khắc lịch sử.
Trung tướng có thể miêu tả lại tình huống làm nên lịch sử bắt sống và áp giải Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại đài phát thanh?
- Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi gặp được nhiều may mắn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, khi tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, tôi khi ấy mang hàm Đại úy, là Trung đoàn phó của E66 Sư đoàn 304, một sư đoàn chủ lực tác chiến nhiều nhất trong chiến trường miền Nam.
Cùng với 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, Sư đoàn 304 ban đầu chủ yếu đánh địch ở vòng ngoài ở cánh Đông thành phố. Đồng thời sẵn sàng tác chiến, tiếp ứng các đơn vị khác hoặc nhanh chóng tấn công, khuếch trương chiến quả, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng.
Với những thắng lợi của 5 cánh quân, Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập binh đoàn thọc sâu, tiến đánh vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 gồm các binh chủng hợp thành gồm xe tăng, bộ binh, pháo binh, phòng không và các đơn vị bảo đảm khác.
E66 khi đó là đơn vị nòng cốt, mũi nhọn của binh đoàn thọc sâu, khi đó tôi trực tiếp chỉ huy tiến đánh Sài Gòn.
Chiều 29/4, binh đoàn thọc sâu gồm 400 xe tăng, xe thiết giáp chở quân, pháo binh bắt đầu tiến vào Sài Gòn đánh chiếm các mục tiêu như dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân và các mục tiêu khác trong các quận trung tâm.
Binh đoàn không gặp nhiều sự phản kháng ác liệt nào từ phía quân địch, bởi ngụy quyền Sài Gòn đã rệu rã về tinh thần và sức kháng cự.
Các trận đánh tại cầu Sông Buông, cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè, địch đánh trả yếu ớt, binh đoàn nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa và tiến sâu vào thành phố.
Khi chúng tôi tiến đánh vào đến dinh Độc Lập, cách khoảng 100 mét, tôi nhìn thấy chiếc xe tăng đi đầu khựng lại, xe tăng thứ 2 vòng sang bên phải húc đổ cánh cổng dinh, chiếc xe jeep của tôi lập tức theo sau tiến vào.
Khi tiến vào, mục đích chủ yếu của chúng tôi là để cắm cờ trên đỉnh dinh Độc Lập chứ không hề biết nội các của chính quyền Sài Gòn còn ở trong dinh.
Xuống khỏi xe, chạy vào tiền sảnh, tôi gặp rất nhiều phóng viên, báo chí nước ngoài đã túc trực tại đây xúm vào ghi lại những khoảng khắc lịch sử của chiến dịch.
Lên đến tầng hai, gặp ngay Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh. Ông này cho biết toàn bộ nội các đang trong phòng họp của dinh Độc Lập.
Vào phòng họp trước Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mậu cùng toàn bộ nội các đang có mặt tại đây, tôi dõng dạc tuyên bố: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”.
Khi đó, tiếng súng bên ngoài dinh rộ lên từng tràng, Tổng thống Dương Văn Minh xin tuyên bố đầu hàng tại chỗ.
Tuy nhiên, tôi đã quyết định không đồng ý, bắt phải tuyên bố tại Đài phát thanh Sài Gòn.
Tại thời điểm ấy cờ đỏ sao vàng của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập, quân ta đã làm chủ được thành phố Sài Gòn.
Trên đường dẫn giải Dương Văn Minh ra đến đài phát thanh, bộ đội và nhân dân đã tràn ngập đường phố biểu dương lực lượng, mừng chiến thắng.
Trên xe, tôi có nói với Dương Văn Minh: Ông đã biết sức mạnh của Quân giải phóng như thế nào rồi mà không tuyên bố đầu hàng trước đó. Dương Văn Minh trả lời rằng:
Chúng tôi biết chắc chắn là khi Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, chúng tôi sẽ thất bại. Tuy nhiên nếu tuyên bố đầu hàng trước đó, sẽ không đảm bảo an toàn tính mạng trước những thế lực khác trong chính quyền Sài Gòn.
Đến Đài phát thanh Sài Gòn, Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn thọc sâu đã đánh chiếm được mục tiêu này. Khi lên phòng bá âm, tôi đã cùng với một số sĩ quan khác của Quân giải phóng soạn thảo nội dung của lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc và phát lên sóng Đài phát thanh.
Trở lại thăm những chiến trường xưa, cảm xúc của ông như thế nào sau 40 năm chiến thắng lịch sử của dân tộc?
- 20 năm sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tôi mới được trở lại thành phố này trong dịp kỉ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn.
40 năm sau, tôi vừa dẫn đầu, chỉ huy một đoàn gồm 80 sĩ quan, cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, thắp những nén hương cho đồng đội cũ đã anh dũng hy sinh trong các chiến dịch Thượng Đức, Nước Trong lịch sử...
Trong chuyến đi, tôi cùng với các đồng chí trong đoàn được sự đón tiếp ân cần, trọng thị của các cấp chính quyền và nhân dân tại chiến trường năm xưa.
Đi đến đâu cũng thấy các vùng đất thay da đổi thịt từng ngày và đang lành dần những vết tích do bom đạn để lại. Kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân đang phát triển đổi thay từng ngày cũng làm ấm lòng những chiến sỹ, đồng đội ngã xuống; những người đã anh dũng hy sinh, dùng xương máu và tính mạng của mình đổi lấy độc lập tự do ngày hôm nay của đất nước.
Là đại diện cho thế hệ đã làm nên chiến thắng vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm (1945 - 1975), ông có kỳ vọng gì vào lớp trẻ ngày hôm nay?
- Những ngày này, chúng tôi, những cựu binh già vẫn thường đi nói chuyện với sinh viên các trường đại học, thanh niên, thế hệ trẻ các nơi khác về những trận chiến làm nên lịch sử.
Trong các buổi nói chuyện này, tôi thường nhắc nhở các bạn trẻ rằng để có được độc lập tự do ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng xương máu của các anh em, chiến sĩ, đồng bào trong cuộc kháng chiến trường kì, không khoan nhượng trước các âm mưu, thủ đoạn của Đế quốc Mỹ và tay sai để giành độc lập.
Thế hệ trẻ của dân tộc hôm nay phải biết trân trọng, quý trọng nền độc lập tự do. Tuy nhiên biên giới lãnh thổ, vị trí địa lý của Việt Nam luôn bị các thế lực âm mưu xâm lược, chiếm đóng.
Do vậy các bạn trẻ hôm nay, những chủ nhân của đất nước phải bằng trí tuệ của mình cùng ngăn chặn những âm mưu đen tối đó. Phải rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng học tập và nghiên cứu, góp sức của chính mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với những hy sinh xương máu của các thế hệ đàn anh đi trước.
Tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ ngày hôm nay sẽ giữ vững được nền độc lập, tự do, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Vì hiện nay thế và lực của chúng ta đã khác trước đây rất nhiều. Tiềm lực quân sự cũng như vũ khí trang bị của quân đội ta cũng đã khác trước rất nhiều.
Xin cảm ơn Trung tướng!