Tình hình mới nhất ở biên giới Kosovo

GD&TĐ - Căng thẳng ở biên giới Kosovo được cho là sẽ hạ nhiệt sau khi Serbia thông báo rút bớt lực lượng khỏi khu vực.

Các sĩ quan cảnh sát Kosovo tuần tra sau vụ nổ súng ở làng Banjska, ngày 27/9/2023
Các sĩ quan cảnh sát Kosovo tuần tra sau vụ nổ súng ở làng Banjska, ngày 27/9/2023

Tham mưu trưởng quân đội Serbia, tướng Milan Mojsilovic, ngày 2/10 cho biết, nước này đã cắt giảm số lượng quân được triển khai gần biên giới với Kosovo từ 8.350 xuống 4.500 sau các cuộc đụng độ chết người vào tuần trước.

“Điều đó có nghĩa là số lượng quân thường xuyên trong khu vực. Chế độ hoạt động của các đơn vị… được giao nhiệm vụ đảm bảo tuyến hành chính với Kosovo đã trở lại bình thường”, ông Mojsilovic nói.

Sự hiện diện của quân đội Serbia gần biên giới đã được tăng cường sau cuộc đụng độ nổ ra giữa các tay súng người Serb được trang bị vũ khí hạng nặng và cảnh sát Kosovo ở làng Banjska phía bắc vào ngày 24 /9.

Theo đó, một sĩ quan cảnh sát và ba kẻ tấn công đã thiệt mạng trong vụ đọ súng kéo dài hàng giờ đồng hồ ở tỉnh cũ của Serbia.

Cũng trong ngày 2/10, tướng Mojsilovic bày tỏ sự ngạc nhiên trước “mối quan ngại sâu sắc của một số người” liên quan đến việc quân đội Serbia được triển khai trong thời điểm mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng an ninh”.

Tham mưu trưởng quân đội Serbia lưu ý rằng, nước này đã triển khai 14.000 quân gần Kosovo trong “các cuộc khủng hoảng an ninh tương tự” vào tháng 12/2022 và tháng 5/2023, động thời nhấn mạnh họ thậm chí còn ở “mức cảnh báo cao nhất”, không giống như những gì diễn ra cách đây một tuần.

Những bình luận của vị tướng Serbia được đưa ra khi Mỹ kêu gọi Belgrade rút quân khỏi khu vực sau khi phát hiện điều mà họ gọi là sự tăng cường quân sự “chưa từng có” của Serbia dọc biên giới với Kosovo.

Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng giữa Serbia và Kosovo.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Tổng thống Aleksandar Vucic, kêu gọi “giảm leo thang ngay lập tức” và quay trở lại thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Belgrade với Kosovo, cùng lúc NATO bổ sung lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo với hàng trăm binh sĩ Anh.

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Nền độc lập của đất nước này được khoảng 110 quốc gia công nhận, bao gồm Mỹ, Anh và hầu hết các nước phương Tây khác.

Tuy nhiên, Serbia không công nhận nền độc lập của Kosovo, và Belgrade đã khuyến khích các nhóm người Serbia ở Kosovo sống ở khu vực phía bắc bác bỏ quyền lực của Pristina.

Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ, nhưng chưa đạt được nhiều tiến triển.

Theo Press TV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.