Người dân không tin vào cơ quan hành chính?
Phản biện với Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ cũng như các cơ quan tư pháp ở hội trường Quốc hội, Đại biểu Bùi Văn Xuyền – Đoàn Thái Bình – cho rằng, trong báo cáo chưa phân tích sâu, chưa đánh giá lý do nguyên nhân của việc giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo có phải thực sự do công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã làm tốt hay chưa, hay công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực, khiến cho số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm.
Hàng tuần, bản thân tôi vẫn nhận được các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến và thông báo chung của Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhận được khá nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân phải xử lý trên các lĩnh vực hành chính, tư pháp.
Tình hình khiếu nại đông người tăng có lý do vì những vụ việc khiếu nại đơn lẻ không giải quyết kịp thời nên dẫn tới người dân bức xúc tụ tập đông người để gây sức ép lên cơ quan nhà nước. Số đơn chuyển đến Tòa án nhân dân giải quyết cũng tăng cao, đây là lý do tại sao số đơn gửi đến cơ quan hành chính giảm.
“Có ý kiến cho rằng người dân không tin vào cơ quan hành chính giải quyết nên họ chuyển sang Tòa án. Quan điểm của tôi, đơn chuyển lên Tòa án giải quyết là tín hiệu tốt, vì giải quyết qua Tòa án sẽ công khai, minh bạch, đảm bảo bình đẳng hơn so với cơ chế tố tụng” - Đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
Về nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo, theo Đại biểu Bùi Văn Xuyền, ngoài nguyên nhân báo cáo đã nêu cần nhấn mạnh thêm một số nguyên nhân:
Một là, năng lực, trình độ, trách nhiệm giải quyết của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, năng lực tham mưu, tổ chức, thực hiện các khâu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, yếu kém, không nhận được sự đồng tình của người dân, dẫn đến tiếp khiếu và tiếp tố.
Hai là, sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ trong thời gian vừa qua thực sự chưa quyết liệt, sát sao, nhạy bén, nhất là những vụ việc dư luận, báo chí và người dân bức xúc, sự vào cuộc còn chậm, thanh tra kéo dài thời hạn, kết luận thanh tra không rõ ràng, thông tin chưa đầy đủ đến người dân và dư luận, khiến cho người dân hoài nghi về tính minh bạch, tính đúng đắn của Thanh tra Chính phủ.
Họ so sánh giữa kiểm tra của Trung ương Đảng và Thanh tra Chính phủ thời gian vừa qua rất rõ. Từ đó người dân thiếu tin vào toàn bộ hệ thống thanh tra cấp dưới.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền: Giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao năng lực giải quyết của cán bộ từ cơ sở cho đến Trung ương để giải quyết khiếu nại, tố cáo |
Nâng cao năng lực giải quyết của cán bộ từ cơ sở
Về nhiệm vụ, giải pháp. Đại biểu đề xuất: Cần tập trung củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ giải quyết của cán bộ công chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân. Xử lý nghiêm đối với những người thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải nhanh chóng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng tôi cho rằng điểm này cũng không phải là điểm quan trọng, bởi vì hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của chúng ta Quốc hội vừa ban hành, Luật tố cáo Quốc hội đang thảo luận, Luật Đất đai cũng mới sửa năm 2013 và Quốc hội cũng đã chú ý rất nhiều đến nội dung này.
Tôi cho rằng giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao năng lực giải quyết của cán bộ từ cơ sở cho đến Trung ương để giải quyết khiếu nại, tố cáo” - Đại biểu Bùi Văn Xuyền kiến nghị.
Cùng với đó, cần rà soát, phân loại, thống kê, lập danh sách các vụ việc tồn đọng, phức tạp lâu ngày. Vấn đề này đã có một nghị quyết để giải quyết. Trước đây giải quyết rất tốt nhưng gần đây việc theo dõi, giám sát để giải quyết những vụ việc phức tạp cũng chưa được tốt.
Đặc biệt phải xây dựng phương án, thời gian, lộ trình, trách nhiệm của các cơ quan giải quyết. Những vụ việc chấm dứt giải quyết cũng phải được công khai, minh bạch trên phương tiện thông tin để mọi người cũng như đại biểu Quốc hội biết, theo dõi, giám sát.
“Hàng năm, Chính phủ báo cáo nội dung này trước Quốc hội. Tôi cho rằng phương án lập danh sách cụ thể các vụ việc có lộ trình giải quyết, có cơ quan giải quyết để công khai, minh bạch.
Mặt khác, cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan dân cử, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và dư luận xã hội đồng tình với kết quả giải quyết của các vụ việc phức tạp, tránh việc có cách hiểu cũng như các luồng dư luận khác nhau, tăng sự thuyết phục đối với kết quả giải quyết, như vậy sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn trong dư luận xã hội và tránh được việc yếu tố kéo dài" - Đại biểu Bùi Văn Xuyền.