Tinh giảm các cuộc thi nhưng nên khuyến khích “sân chơi” chất lượng

GD&TĐ - Sau yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã có báo cáo về việc rà soát các cuộc thi/hội thi dành cho giáo viên, học sinh phổ thông tại địa phương. Nghiêm túc thực hiện chủ trương của Bộ, nhiều địa phương cũng đề xuất những “sân chơi” thực sự chất lượng nên tiếp tục tổ chức.

Tinh giảm các cuộc thi nhưng nên khuyến khích “sân chơi” chất lượng

Cần duy trì một số cuộc thi bổ ích

Chia sẻ việc thực hiện chủ trương này tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Điền - thông tin: Theo chỉ đạo chung của UBND tỉnh, vài năm gần đây, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã cắt giảm khá nhiều cuộc thi. Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT lưu ý địa phương rà soát, giảm bớt các cuộc thi là phù hợp tình hình hiện nay, bởi có nhiều cuộc thi chồng chéo, lặp lại, thậm chí gây phát sinh tiêu cực do dùng kết quả tính thi đua cá nhân và tập thể...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Định cũng cho rằng, các cuộc thi có giá trị nhất định trong việc tạo ra sân chơi lành mạnh cho học sinh và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là trong giai đoạn tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên học sinh. Vì thế, cần duy trì một số cuộc thi rất cần thiết. Bộ GD&ĐT cần gợi ý một số cuộc thi (hoặc nhóm cuộc thi) tham khảo để các địa phương nghiên cứu, vận dụng phù hợp với đặc thù từng địa phương và phù hợp từng lứa tuổi.

Ông Nguyễn Văn Thiều - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quảng Hàm (Văn Giang, Hưng Yên) - ủng hộ với chủ trương tinh giảm các cuộc thi của Bộ GD&ĐT và cho rằng, khi có quá nhiều cuộc thi, cũng đồng nghĩa với việc lãnh đạo nhà trường, giáo viên thêm nhiều việc, chi phí nặng nề. Bên cạnh đó, không chỉ không sử dụng kết quả các cuộc thi vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, vào tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp mà còn không nên đưa kết quả này vào đánh giá thi đua. Tuy nhiên, việc học sinh tham gia vào các sân chơi thực sự bổ ích thì vẫn nên khuyến khích, trên tinh thần các em tự nguyện.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, việc cấm hoàn toàn các cuộc thi không phải là giải pháp tốt. Vấn đề là cuộc thi đó được tổ chức với nội dung gì, hình thức tổ chức thế nào để tạo cơ hội cho học sinh được hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hình thành năng lực và phẩm chất. Quy định của Bộ GD&ĐT là các Sở GD&ĐT chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên, học sinh. Hình thức thi trực tuyến được khuyến khích…

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - cho biết, đã thực hiện rà soát các cuộc thi/hội thi được tổ chức tại địa phương. “Ngày 29/5/2017, Sở GD&ĐT gửi văn bản tới Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), báo cáo danh mục các cuộc thi, hội thi sẽ tiếp tục được tổ chức tại địa phương, đó là Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và Hội thi giáo viên dạy giỏi. Lý do, thông qua Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, học sinh có hứng thú và say mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; tạo điều kiện cho học sinh giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình và giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong học tập. Hội thi giáo viên giỏi sẽ giúp các thầy cô trau dồi chuyên môn, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy cũng như một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học” - ông Nguyễn Văn Phê cho hay.

Tại Nam Định, ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT - thông tin đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT và cho biết sẽ nghiêm túc triển khai quy định này. Tương tự với Bến Tre, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Huấn cho biết, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố rà soát việc tổ chức, nghiên cứu tinh giảm các cuộc thi và tuyệt đối không lấy thành tích để xét thi đua với các đơn vị tham gia. Trong năm học 2016 - 2017, Sở này chỉ tổ chức, tham gia các cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức, không chủ trì tổ chức cuộc thi riêng của địa phương.

Không đánh giá thi đua từ các cuộc thi, hội thi

Được biết, đây không phải văn bản chỉ đạo đầu tiên của ngành Giáo dục đề cập đến nội dung này. Cách đây 3 năm, ngày 3/11/2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học ở địa phương không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ.

Ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) - cho biết, Chỉ thị 5105 đã được thực hiện nghiêm túc, linh hoạt tại địa phương. Chính bởi vậy, hiện nay, Sở chỉ triển khai 2 cuộc thi đến các trường tiểu học trên địa bàn là ViOlympic Toán và thi tiếng Anh qua mạng (IOE), trên tinh thần học sinh tham gia tự nguyện. Kết quả các cuộc thi này hoàn toàn không được sử dụng để xét thi đua, cộng điểm, do đó, học sinh tham gia rất vui vẻ, không tạo áp lực cho giáo viên, nhà trường.

“Ngoài 2 cuộc thi trên, tại Bắc Giang cũng tổ chức một số ngày hội cho học sinh theo cụm trường. Trong ngày hội có giao lưu về Toán, Tiếng Việt một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, học sinh tham gia tự nguyện; có những phần thưởng nhỏ để động viên, khuyến khích các em. Tất nhiên, kết quả tham gia sân chơi này hoàn toàn không được dùng để đánh giá thi đua hay cộng điểm” - ông Hà Huy Giáp cho biết thêm.

Kế hoạch tuyển sinh lớp 6 các trường phổ thông dân tộc nội trú năm học 2017 - 2018 do Sở GD&ĐT Bắc Giang ban hành mới đây ghi rõ phương thức tuyển sinh là xét tuyển, căn cứ vào học bạ tiểu học, không hề có quy định cộng điểm từ các cuộc thi. Trường hợp nhiều thí sinh bằng điểm nhau, Sở này đưa ra tiêu chí phụ là điểm kiểm tra định kỳ lớp 5. Nếu vẫn có trường hợp bằng điểm thì tiếp tục phân biệt bằng tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 của 2 môn Toán và Tiếng Việt. Sau khi xét tiêu chí này vẫn có học sinh bằng điểm, sẽ tiếp tục xét đến lớp 4, 3... tương tự như xét với lớp 5.

Về việc sử dụng điểm ưu tiên, khuyến khích cho học sinh, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành lưu ý: Việc cộng điểm ưu tiên vẫn giao cho địa phương, nhưng với quy định tinh giảm các cuộc thi của Bộ, Sở GD&ĐT sẽ phải cân nhắc kỹ việc tổ chức từng cuộc thi cũng như quy định về đối tượng và điểm cộng khuyến khích trong phương án tuyển sinh để đảm bảo chất lượng, công bằng, minh bạch trong tuyển sinh.

Ngày 5/5/2017, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông trực thuộc Bộ GD&ĐT yêu cầu tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh phổ thông. Văn bản này ghi rõ, không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017 - 2018, tuyển thẳng học sinh đầu cấp từ năm học 2018 - 2019. Bày tỏ thái độ đồng tình, lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện chủ trương này của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.