Tình báo Đức: Iran tìm cách lấy công nghệ tên lửa và hạt nhân bất hợp pháp

GD&TĐ - Các cơ quan tình báo Đức vừa cho biết Iran đã hàng chục lần cố gắng tìm cách lấy công nghệ tên lửa và hạt nhân bất hợp pháp, vi phạm Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.  

Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Iran (giữa) tại một phiên khai mạc quốc hội ở Tehran, Iran
Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Iran (giữa) tại một phiên khai mạc quốc hội ở Tehran, Iran

Ba văn phòng khác nhau của Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) đã đưa ra lời buộc tội trên. Chi nhánh Bắc Rhine-Westphalia buộc tội Iran “nỗ lực 32 lần cố gắng lấy những công nghệ chắc chắn hoặc có khả năng cao được dùng cho các chương trình làm giàu (hạt nhân)” trong năm 2016. Tuy nhiên, bản báo cáo không nói rõ có nỗ lực nào thật sự thành công hay không.

Bản báo cáo nói thêm rằng Iran đã sử dụng các công ty dầu ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc A rập để phá vỡ những hạn chế áp đặt lên chương trình phát triển vũ khí của Thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là JCPOA) – một thỏa thuận quan trọng đóng băng chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc các lệnh trừng phạt được nới lỏng.

Báo cáo của BND tiếp tục cho rằng Tehran đã truyền bá “vũ khí nguyên tử, sinh học hay hóa học hủy diệt hàng loạt” và rằng họ đã mời “các học giả” từ Triều Tiên, Pakistan và Sudan để tham gia vào các chương trình vũ khí và hạt nhân. “Một ví dụ cho loại hình hoạt động này xảy ra ở lĩnh vực công nghệ điện tử có liên kết với việc làm giàu uranium” – bản báo cáo từ chi nhánh Hessen cho biết.

Năm 2015, BND đã báo cáo rằng Iran đã có tới 141 nỗ lực tìm kiếm nhưng Thỏa thuận hạt nhân đến tháng 1 năm 2016 mới có hiệu lực.

JCPOA cho phép Iran tạo ra một lượng nhỏ uranium đã làm giàu, có thể được dùng trong chương trình năng lượng hạt nhân, nhưng không phải là chương trình vũ khí hạt nhân. Họ cũng được yêu cầu phải tiết lộ thông tin về chương trình hạt nhân cho các thanh tra từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Mặc dù báo cáo dường như tuyên bố Iran đã vi phạm JCPOA nhưng các quan chức Đức nói với hãng tin Fox News rằng không có vi phạm nào xảy ra. “Chúng tôi không thấy dấu hiệu Iran vi phạm các cam kết JCPOA” – một quan chức giấu tên nói – “bản báo cáo 2016 gần đây của Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp còn khẳng định không có bằng chứng nào chứng tỏ Iran vi phạm JCPOA”.

Theo báo cáo đã đề cập ở trên cũng như các báo cáo khác từ các nhà tình báo khu vực, Đức dường như rất thận trọng với vấn đề này. Tuy nhiên, đây là vấn đề nằm ngoài khuôn khổ của JCPOA và cần được giải quyết riêng biệt – quan chức trên nói tiếp.

Đức đã tham gia ký kết JCPOA và khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đây là “một thành công quan trọng” của ngoại giao quốc tế. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, lãnh đạo các quốc gia tham gia ký kết JCPOA đã phải cố gắng níu kéo Mỹ duy trì thỏa thuận này, trừ bà Merkel. Bà đã để việc bảo vệ JCPOA cho Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel – một trong những đối thủ chính trị cơ bản của bà.

Theo kế hoạch, thứ 5 tuần này ông Trump sẽ tuyên bố liệu ông có công nhận Iran tuân thủ theo JCPOA hay không. Cả ông Trump và các quan chức chính quyền đều ám chỉ rằng ông sẽ tuyên bố Iran không tuân thủ và trong trường hợp này quyết định duy trì hay rút khỏi JCPOA sẽ được chuyển cho Quốc hội Mỹ.

Trong khi đó, đầu tuần này, IAEA tuyên bố Iran tuân thủ với Thỏa thuận hạt nhân.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.