Tin tưởng, coi trọng, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sỹ hoàn thành sứ mệnh

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tham dự đại hội có 261 đại biểu chính thức là cán bộ chủ chốt của 10 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, 63 hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố cùng các văn nghệ sĩ tiêu biểu, đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật.

Sức mạnh nội sinh quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lịch sử dựng nước và giữ nước đã hình thành nên nền văn hoá Việt Nam lâu đời, đặc sắc, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn tin tưởng, coi trọng, chăm lo và tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sỹ nước nhà hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trước dân tộc và đất nước.

Suốt gần 73 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, mà tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, đội ngũ văn nghệ sĩ đã tự nguyện dấn thân nơi tuyến lửa, vượt mọi gian lao, thử thách, sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình để viết nên những bản hùng ca vượt thời gian, kịp thời cổ vũ, nhân lên sức mạnh của toàn dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Đoàn Chủ tịch ra mắt Đại hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Đoàn Chủ tịch ra mắt Đại hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Sau khi nước nhà thống nhất, cả nước tập trung xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới mái nhà chung của Liên hiệp, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, tâm huyết, đổi mới, sáng tạo,  đóng góp những thành tựu quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Bước vào thời kỳ đổi mới, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã thực hiện hành trình cách tân tràn đầy hứng khởi, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng, khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta.

Trong 5 năm qua, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các mặt hoạt động. Thông qua việc tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc triển lãm, liên hoan văn nghệ quốc gia, quốc tế và khu vực, các cuộc thi, giải thưởng, hội thảo, tọa đàm… Liên hiệp Hội đã tạo mở những không gian sáng tạo, khơi dậy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật được chú trọng, tạo nên sinh khí mới cho đời sống văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, lĩnh vực sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian cũng được Liên hiệp Hội quan tâm có bước tiến mới với những công trình, dự án dài hơi, bài bản.

Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, bám sát thực tiễn, góp phần xác lập, khẳng định những giá trị đích thực, đồng thời, cũng kịp thời phê phán những khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ.

Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Hoạt động giao lưu, hội nhập, quảng bá, giới thiệu văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới có sự khởi sắc với một số hình thức sáng tạo, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực. Phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương có những bước phát triển mới, từng bước đáp ứng nhu cầu thưởng thức, bảo tồn, phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc ta.

Nội dung, phương thức biểu hiện của văn học, nghệ thuật giai đoạn vừa qua đã được đầu tư tìm tòi, mạnh dạn thể nghiệm. Các dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo ngày càng được phát huy và trân trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực nghệ thuật đều có những tác phẩm chất lượng tốt, có giá trị, tiếp tục khơi thông mạnh mẽ dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc, phản ánh chân thực cuộc sống, phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân.

Bên cạnh đó, các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng hiện đại, góp phần đưa văn học, nghệ thuật đến nhanh hơn, gần hơn với người dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới và hải đảo.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng, biểu dương và cảm ơn về những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, cũng như của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh, đây cũng là dịp tưởng nhớ, tri ân sâu sắc đến các thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã hi sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã lao động quên mình, cống hiến thầm lặng và để lại nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, góp phần làm phong phú và rạng rỡ cho nền văn hóa nước nhà.

Tạo khâu đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển

Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành với những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong dự thảo Văn kiện được Đại hội thảo luận; đồng thời cho rằng cần đặt lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong tổng thể chiến lược, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới để từ đó hoạch định tầm nhìn và sứ mệnh, tạo khâu đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển.

Trong thời gian tới, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2025, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phải vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung, của đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng. Liên hiệp phải thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, dân chủ, là mái nhà chung ấm áp, thân tình của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Tổ chức Hội phải là nơi để mỗi văn nghệ sĩ gửi gắm tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, đóng góp tài năng và sức lao động của mình, để tăng thêm cảm hứng và xung lực sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tương lai của nền văn học, nghệ thuật nước nhà đặt trên vai của các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có thế hệ trẻ. Thực tiễn cho thấy, khi các tổ chức hội có sự quan tâm thích đáng đến thế hệ trẻ, có hạt nhân dẫn dắt sẽ có được những tài năng giàu triển vọng.

Do đó, trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Liên hiệp xác định việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng, giúp đỡ các tài năng trẻ làm khâu đột phá. Để làm được điều này, Liên hiệp cần có một kế hoạch rất cụ thể, khả thi và hiệu quả, tạo điều kiện để các tài năng trẻ được phát huy, thực sự vững vàng tiếp nối các thế hệ đi trước.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động giao lưu, quảng bá các giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài và tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật thế giới vào Việt Nam cũng cần được xem là một trọng tâm ưu tiên của nhiệm kỳ mới.

Đất nước hòa bình, thống nhất đã hơn 45 năm, vị thế đi trước mở đường hội nhập của văn học, nghệ thuật cần phải tiếp tục được đặt ra và từng bước khẳng định; những giá trị truyền thống độc đáo, đặc sắc của dân tộc ta, khát vọng hòa bình và vươn lên mạnh mẽ của con người Việt Nam trong văn học, nghệ thuật hôm nay cần phải được truyền tải đầy đủ, sâu sắc đến bạn bè năm châu. Trên cơ sở phát huy những hình thức, diễn đàn hiện có, Liên hiệp cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển; phải quy tụ, phát huy tài năng, tâm sức và các nguồn lực tổng hợp để hướng tới hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này.  

Theo Chủ tịch Quốc hội, Đoàn Chủ tịch khóa mới cần tranh thủ tối đa kinh nghiệm và đóng góp của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, nhanh chóng nắm bắt công việc, phát huy vai trò hạt nhân quy tụ đoàn kết của giới văn nghệ sĩ cả nước.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cầu nối thông suốt và tin cậy giữa đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước với cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; các chủ trương, chính sách của Đảng về văn học, nghệ thuật đã được kịp thời thể chế hoá thành hệ thống pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật (như: Luật Điện ảnh; Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Xuất bản...).

Theo Chủ tịch Quốc hội, Liên hiệp cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý kiến phản biện, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ; xác lập các diễn đàn, cơ chế hiệu quả để kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình đất nước, cùng những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, hỗ trợ tối đa về điều kiện sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, con đường hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật chính là cần tạo ra một cơ chế phù hợp. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tăng cường phối hợp với Liên hiệp và các tổ chức thành viên rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hiện hành, kịp thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật cũng cần ý thức rõ trách nhiệm và tình cảm, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, về tính chất đặc thù của lĩnh vực này, để từ đó không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức Hội của Liên hiệp, tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, với bản lĩnh, tài năng, tâm huyết và khát vọng chung của giới văn nghệ sĩ nước nhà, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và to lớn hơn nữa, có những “vụ mùa bội thu” với các tác phẩm lớn, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Đại hội đã thông qua kết quả hiệp thương danh sách Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 78 thành viên; danh sách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 27 thành viên; danh sách Ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 -2025; thông qua kết quả bầu các Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo baotintuc/TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.