Cảnh chen chúc để được đến tận nơi và thắp nén hương thành kính dâng lên Vua Hùng trong ngày trọng đại đã xuất hiện sau hai năm bị dịch Covid-19 giam hãm. Có cảm giác như những người đi hành lễ đã không còn bận tâm gì trong việc phòng chống dịch nữa vậy.
Điều này chứng tỏ, tình hình kiểm soát dịch Covid-19 của nước ta đã bước sang một giai đoạn quan trọng và thực chất, đó là bình thường mới hoàn toàn.
Không chỉ ở núi Nghĩa Lĩnh - nơi thờ các Vua Hùng, cảnh chen lấn nhau còn xuất hiện ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Tràng An (Ninh Bình), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Sapa (Lào Cai), Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Ở các tỉnh phía Nam, thời tiết nắng nóng cộng với được nghỉ lễ dài ngày cũng là cơ hội để nhiều người ra khỏi nhà đi du lịch sau nhiều tháng bị Covid-19 giam chân.
Thật ít ai dám nghĩ rằng, ngay trong ngày lễ Giỗ Tổ mà Quốc lộ 51 dẫn về Vũng Tàu, dẫn ra Phan Thiết, hàng nghìn ô tô phải nhích từng bước một khiến trạm thu phí trên quốc lộ này phải “xả trạm” suốt 3 giờ liền nhưng dòng người vẫn chưa ngớt đổ về. Còn ở Phú Quốc, hầu như các khách sạn đều kín phòng. Ngành hàng không đã tăng các chuyến trong kỳ nghỉ lễ nhưng vẫn không giải quyết hết số khách đi đột xuất!
Ở miền Trung, những thành phố nổi tiếng về du lịch như Đà Lạt, Nha Trang hay Đà Nẵng đều kín người. Ngay cả một hòn đảo buồn tẻ như ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong những ngày nghỉ lễ, còn đón 372 hành khách “mở hàng” cho tuyến tàu du lịch mới mở đi từ cảng sông Hàn (Đà Nẵng).
Việc khai trương tuyến du lịch đường biển này được xem như một “sản phẩm mới” về du lịch mà hai địa phương Quảng Ngãi và Đà Nẵng mong chờ từ hơn một năm nay. Du khách được trải nghiệm tuyến du lịch bằng tàu biển rất đặc biệt này trên hành trình xuyên ba tỉnh cùng nhiều địa danh nổi tiếng mà tàu đi qua.
Ai cũng có cảm giác như được vỡ òa sau hai năm dịch dã bức bí nên tranh thủ ngày nghỉ là đi chơi. Nhưng đi chơi trong an toàn, không nơm nớp lo âu vì dịch như hơn một năm trước, đó quả thật là tín hiệu vui mà hàng triệu người Việt Nam mong chờ từ hai năm qua.
Ngành du lịch đã bắt đầu hồi sinh qua những ngày lễ “như mơ” này. Vấn đề còn lại là, để ngành công nghiệp không khói có thể tăng tốc, bù lại những tháng ngày bị dịch đóng băng vừa qua, các địa phương và ngành cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cả về nhân lực, vật lực lẫn các sản phẩm du lịch mới lạ.
Phải làm khác trước, thật sự đổi mới để thu hút khách du lịch, không chỉ khách nội địa, mà cần có cái nhìn xa hơn là thu hút khách quốc tế một khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn. Các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã chuẩn bị điều này từ một năm nay chứ không phải nước đến chân mới nhảy.