Tín hiệu vui cho giáo dục nghề nghiệp ở Hải Phòng

GD&TĐ -  Nhiều học sinh ở Hải Phòng lựa chọn học cao đẳng để nâng cao kỹ năng thực hành, thời gian đào tạo ngắn, cơ hội việc làm cao….

Em Phạm Thị Thanh Tâm chọn học Cao đẳng VMU (Hải Phòng).
Em Phạm Thị Thanh Tâm chọn học Cao đẳng VMU (Hải Phòng).

Mong muốn được đi làm sớm

Em Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, sau khi được người thân tư vấn, em đã quyết tâm học ngành Logistics của Trường Cao đẳng VMU trực thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Em Phạm Thị Thanh Tâm đang theo học ngành Logistics tại Trường Cao đẳng VMU.

Em Phạm Thị Thanh Tâm đang theo học ngành Logistics tại Trường Cao đẳng VMU.

“Em thích ngành Logistics. Khi tìm hiểu Trường Cao đẳng VMU có chỉ tiêu tuyển sinh nên em đăng kí theo học. Hơn nữa, em được biết hệ cao đẳng của trường với nhiều lợi thế về thời gian đào tạo, đội ngũ giảng viên chất lượng, cơ hội thực hành nhiều hơn, ra trường sớm hơn nên em đã quyết định chọn học tại trường”, Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Chuẩn bị hành trang tương lai cho mình, ngoài việc học tại Trường Cao đẳng VMU, em Tâm dự định sẽ học thêm kĩ năng tin học và ngôn ngữ để có nhiều cơ hội tìm việc tốt hơn.

Sinh viên Khoa Kinh tế Trường Cao đẳng VMU trong giờ học.

Sinh viên Khoa Kinh tế Trường Cao đẳng VMU trong giờ học.

Em Hoàng Văn Mạnh, hiện là sinh viên Khoa Công nghệ Ô tô, Trường Cao đẳng VMU. Em Mạnh cho hay, khi học THPT em ước mơ trở thành một kĩ sư lắp đặt, chế tạo và sản xuất ô tô. Nhưng với số điểm 24.5 em đã không đỗ đại học ngành mình yêu thích. Thay vì chờ một năm để thi lại đại học, em đã chọn ngành Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng VMU để rút ngắn con đường chạm tới ước mơ.

“Học cao đẳng có nhiều lợi thế, em được thực hành nhiều. Đặc biệt, khi ra trường em có thể học liên thông lên đại học đúng ngành. Vì thế, em đã chọn ngành công nghệ ô tô và học tại Trường Cao đẳng VMU”, em Mạnh cho hay.

Dù cơ hội vào đại học rộng mở nhưng nhiều sinh viên lại chọn học cao đẳng.

Dù cơ hội vào đại học rộng mở nhưng nhiều sinh viên lại chọn học cao đẳng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê còn nhiều khó khăn của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, em Tạ Duy Anh mong muốn được trở thành một máy trưởng để có cơ hội khám phá nhiều nơi trên thế giới. Em Duy Anh tự tin đăng kí học tại Trường Cao đẳng VMU. Duy Anh cho rằng, quá trình học tập tại trường em thấy lựa chọn của mình là đúng đắn, phù hợp với năng lực bản thân. Em mong muốn ra trường đúng hạn, được đi làm sớm.

Chất lượng tuyển sinh tăng cao

PGS.TS Đào Minh Quân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VMU cho hay, nhà trường hiện có trên 1.900 học sinh, sinh viên, riêng hệ cao đẳng có trên 800 sinh viên.

Ngành học mà sinh viên chọn lựa nhiều nhất là Kinh tế Vận tải biển, Kinh tế ngoại thương, Công nghệ thông tin, tự động hoá công nghiệp, Công nghệ ô tô và Quản trị doanh nghiệp. Hai năm trở lại đây, chuyên ngành bậc cao đẳng là Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy thu hút được đông đảo sinh viên đăng ký học.

Gần đây, chất lượng tuyển sinh của nhà trường được nâng lên. Nhiều sinh viên có điểm cao đã đăng kí học tại trường. Điều đó cho thấy tín hiệu tích cực của xã hội trong nhận thức về chọn trường, chọn nghề. Đó cũng là kết quả khả quan trong chính sách hướng nghiệp của Đảng và Nhà nước.

Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động” và “Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp”.

Sự thay đổi trong nhận thức chọn ngành, chọn nghề của sinh viên là tín hiệu khởi sắc cho giáo dục nghề nghiệp trong tương lai gần.

Sự thay đổi trong nhận thức chọn ngành, chọn nghề của sinh viên là tín hiệu khởi sắc cho giáo dục nghề nghiệp trong tương lai gần.

Tuỳ theo ngành nghề cụ thể, nhưng với ngành đi biển, sinh viên ra trường dù học cao đẳng hay đại học thì các em đều được hưởng mức lương như nhau. Các em học 2,5 năm và được hưởng nhiều ưu đãi về học phí, nhiều ngành nghề được Nhà nước hỗ trợ 70% - 80% học phí. Sinh viên ra trường được các doanh nghiệp sẵn sàng “đón tay”, tỉ lệ có việc làm đến 99%. Thậm chí khi các em còn đang học trong trường đã đi thực tập và có lương.

Nhà trường chú trọng chất lượng thực tập cho sinh viên. Các doanh nghiệp đóng tàu, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đều sẵn sàng nhận sinh viên của trường đến thực tập.

Với thế mạnh về ngành hàng hải và đóng tàu, lại là trường cao đẳng trực thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nên Trường Cao đẳng VMU có nhiều lợi thế trong công tác tuyển sinh. Với sự dịch chuyển trong nhận thức của xã hội về ngành học, Trường Cao đẳng VMU mong muốn thực hiện sứ mệnh là trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo nhân lực cho khu vực miền Duyên hải, xuất khẩu thuyền viên, thầy Đào Minh Quân cho hay.

Bà Nguyễn Thị Ngân - Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng cho hay, thời gian gần đây, Trường Cao đẳng VMU đã khẳng định được uy tín đào tạo của mình. Thành phố Hải Phòng đã và đang có đầu tư lớn cho các trường cao đẳng, đặc biệt nhiều trường trung cấp sắp tới theo lộ trình sẽ lên cao đẳng để thu hút sinh viên theo học và đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo. Đó là tín hiệu vui, khởi sắc cho giáo dục nghề nghiệp trong tương lai gần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.