Tín hiệu tích cực từ Gaza

GD&TĐ - Chính phủ Israel tuyên bố đạt thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Hamas trong 4 ngày để đổi lấy sự tự do cho khoảng 50 con tin ở Dải Gaza.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngày 22/11, Chính phủ Israel tuyên bố đạt thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Hamas trong 4 ngày để đổi lấy sự tự do cho khoảng 50 con tin, gồm phụ nữ và trẻ em, ở Dải Gaza. Lệnh ngừng bắn có thể kéo dài nếu nhiều con tin được thả hơn. Cụ thể, theo đề xuất của Israel, cứ 10 con tin được thả sẽ thêm một ngày ngừng bắn.

Tương tự, lực lượng Hamas cùng ngày đã xác nhận về lệnh ngừng bắn 4 ngày ở Gaza. Nhóm này cho biết họ đồng ý thả khoảng 50 phụ nữ và trẻ em để đổi lấy việc Israel phóng thích 150 phụ nữ và trẻ nhỏ Palestine khỏi các nhà tù.

Ngoài ra, trong những ngày ngừng bắn, các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo, thuốc men và nhiên liệu được phép di chuyển vào Gaza. Các nhà quan sát bày tỏ hy vọng có thể xây dựng bệnh viện dã chiến trong thời gian diễn ra lệnh ngừng bắn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong khu vực. Israel đã cam kết không tấn công bất cứ ai trên toàn dải đất này trong 4 ngày thực hiện lệnh ngừng bắn.

Hiện chưa rõ thời điểm hai bên bắt đầu thực hiện thỏa thuận nhưng đây là lệnh ngừng bắn đầu tiên được đưa ra kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát.

Nhiều quốc gia, tổ chức hoan nghênh thỏa thuận trên. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết “cực kỳ hài lòng khi một số người sẽ được đoàn tụ với gia đình sau khi thỏa thuận được thực hiện đầy đủ”. Còn người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hoan nghênh lệnh ngừng bắn, cho rằng “đây là điều Moskva đã kêu gọi kể từ khi xung đột leo thang”.

Kết quả này có được cũng nhờ vào vai trò tích cực của các lãnh đạo Qatar, Ai Cập trong thỏa thuận. Trong nhiều tuần trước đó, Qatar, với sự ủng hộ từ Mỹ, đã tạo điều kiện thuận lợi để lãnh đạo Israel và Hamas gặp mặt, trao đổi về thỏa thuận.

Giải cứu con tin là khủng hoảng gây tranh cãi trong xã hội Israel từ khi xung đột với lực lượng Hamas nổ ra. Ước tính, khoảng 240 người Israel bị lực lượng Hamas cùng các nhóm vũ trang đồng minh bắt cóc đến Dải Gaza.

Gia đình của các con tin đã gây áp lực buộc Chính phủ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo quyền tự do của các con tin ngay cả khi xung đột tiếp tục diễn ra.

Nhiều người đã biểu tình, yêu cầu chính phủ tìm cách giải cứu con tin. Sự chậm trễ trong vấn đề này khiến niềm tin của người dân vào chính phủ giảm. Theo một khảo sát đầu tháng 11, 76% người dân Israel muốn Thủ tướng Netanyahu từ chức.

Trong khi đó, nhiều chính trị gia kịch liệt phản đối các thỏa thuận đàm phán. Một số bộ trưởng trong chính phủ Israel thậm chí đã bỏ phiếu phản đối hoạt động này vì cho rằng đây là sự nhượng bộ của Israel đối với lực lượng Hamas.

Thỏa thuận đàm phán cuối cùng được công bố trong bầu không khí tuyệt vọng đến cùng cực, khi mà gia đình các con tin gần như không thể chịu đựng thêm một giờ nào nữa vì người thân họ đang đối mặt với nguy hiểm.

4 ngày trong thỏa thuận ngừng bắn không phải thời gian dài nhưng nó phần nào thể hiện nỗ lực của hai bên trong tiến trình đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza.

Dù thỏa thuận đã được thông qua nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Dải Gaza? Thực tế là trong ngắn hạn, xung đột vẫn chưa kết thúc và thậm chí căng thẳng vẫn có thể leo thang.

Thủ tướng Netanyahu cũng đã nhấn mạnh Israel sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự ở Gaza sau khi kết thúc thỏa thuận ngừng bắn. “Chiến tranh có những giai đoạn riêng và việc thả con tin cũng vậy. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi đạt được chiến thắng hoàn toàn và đưa mọi người trở lại”, ông Netanyahu phát biểu trên truyền hình hôm 22/11.

Dẫu sao, thoả thuận ngừng bắn là bước đột phá lớn sau 6 tuần diễn ra xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas. Điều này cũng đặt ra yêu cầu ngoại giao lớn hơn, bức thiết hơn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.