Ngày 7/9, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho hay Tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ ABET (Mỹ) thông báo kết quả kiểm định 6 chương trình đào tạo (CTĐT) của IUH đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET.
Kiên trì để đạt chuẩn
ABET được đánh giá là bộ tiêu chuẩn kiểm định danh giá ở khối ngành công nghệ, kỹ thuật của Mỹ được công nhận ở phạm vi toàn cầu. Đây là một tiêu chuẩn rất khó đạt không chỉ đối với các trường đại học ở Việt Nam. Trước đó, cả nước chỉ có 8 CTĐT của 4 trường ĐH, CĐ đạt chuẩn kiểm định ABET.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo IUH, 6 CTĐT đạt chuẩn gồm: Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học. Các chương trình của IUH đạt mức cao nhất (mức 1: Hai năm sau đó mời đoàn đánh giá lại, mức 2: Hai năm gửi báo cáo tự đánh giá sang thẩm định lại để công nhận và mức 3: Sáu năm sau).
Với kết quả này, IUH trở thành trường thứ năm của Việt Nam đạt kiểm định ABET, đồng thời là cơ sở giáo dục ĐH có số chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET nhiều nhất nước.
“ABET đánh giá một chu kỳ của CTĐT là 4 năm và đánh giá rất kỹ từng tiêu chí, tiêu chuẩn. Tất cả tiêu chí, tiêu chuẩn phải đạt thì mới được cấp chứng nhận. Để kiểm định ABET, trường đăng ký đánh giá từ lúc sinh viên vào học năm 1 tới lúc tốt nghiệp ra trường. Tham gia đánh giá theo chuẩn ABET từ năm 2016, trường thay đổi rất nhiều, từ chương trình đào tạo, cách thức đánh giá sinh viên, thay đổi tư duy đào tạo của giảng viên đến cơ sở vật chất...”, TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 nhà trường đã rà soát, cập nhật và cải tiến toàn diện 6 CTĐT trên theo tiêu chuẩn ABET. “Khác với một số bộ tiêu chuẩn kiểm định khác thiên về cải tiến của chương trình đào tạo, ABET đi thẳng vào chất lượng đào tạo nên quá trình đánh giá phải thực hiện cả một chu trình trong 4 năm, bao gồm giảng dạy, đánh giá chuẩn đầu ra, đo lường, cải tiến, rồi tiếp tục đo lường, cải tiến. Đặc biệt đối với ABET chuẩn đầu ra do họ xây dựng yêu cầu chứ không phải do nhà trường đề xuất...”, TS Nguyễn Trung Nhân cho hay.
Trước đó, tháng 9/2014, cơ sở GDĐH tại Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn này đầu tiên là Trường ĐH Bách khoa (HCMUT) - ĐHQG TPHCM, có 2 CTĐT đạt chuẩn kiểm định ABET: Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính thuộc Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính của trường. 2 chương trình của HCMUT đạt mức 6 năm, là mức cao nhất. Trong 2020, nhà trường đã hoàn tất việc đánh giá và công nhận lại 2 CTĐT này.
Sau HCMUT đến tháng 11/2018, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) là cơ sở GD thứ 2, đồng thời là trường CĐ đầu tiên và duy nhất của cả nước có 2 CTĐT gồm: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và Công nghệ kỹ thuật cơ khí đạt chuẩn ABET. Đến năm 2019, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Trường ĐH Quốc tế (IU) thuộc ĐHQG TPHCM cùng có 2 CTĐT đạt chuẩn kiểm định của ABET.
Hiện một số cơ sở GDĐH đang trong quá trình chuyển động, hoàn tất công đoạn kiểm định của ABET. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), đạt được chứng nhận kiểm định chất lượng CTĐT theo chuẩn của ABET là một trong những mục tiêu trong hoạt động đánh giá chất lượng các CTĐT của LHU. “Từ năm 2018, trường đã xác định mục tiêu đưa 2 CTĐT: Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (Khoa Cơ điện – Điện tử) và Công nghệ thông tin (Khoa CNTT) đạt chuẩn kiểm định ABET. Theo lộ trình năm 2023, trường hoàn tất khâu đánh giá 2 CTĐT đạt kiểm định ABET” - Phó Hiệu trưởng LHU chia sẻ.
Sinh viên ngành Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế (CTĐT đạt chuẩn ABET) trong giờ học thực hành. |
Sinh viên hưởng lợi
Ngoài 6 chương trình đào tạo vừa đạt chuẩn kiểm định ABET, IUH còn có 18 chương trình đào tạo khác đạt chứng nhận của các tổ chức kiểm định quốc tế. Theo TS Nguyễn Trung Nhân, bộ tiêu chuẩn ABET bao gồm 9 tiêu chí: Sinh viên, Mục tiêu đào tạo, Khả năng sinh viên, Liên tục cải thiện, Chương trình đào tạo, Đội ngũ giảng viên, Cơ sở vật chất, Hỗ trợ của trường đại học, Tiêu chí riêng của từng chương trình.
Trong đó, tiêu chí “Sinh viên” được xem xét đầu tiên, điều này thể hiện quan điểm của ABET xem người học là trung tâm. Tiêu chí này đòi hỏi nhà trường phải theo dõi sự phát triển của sinh viên nhằm giúp họ đạt được các kết quả mong muốn.
Đồng thời, điểm nổi bật trong chuẩn kiểm định ABET là tiêu chí “Khả năng sinh viên” (có thể hiểu là “Chuẩn đầu ra”) với các yêu cầu cụ thể (gồm ít nhất 11 yêu cầu) thể hiện các kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học đạt được khi tốt nghiệp.
“Đối với nước phát triển, đặc biệt là quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ sẽ đồng ý tiếp nhận sinh viên học chuyển tiếp nếu CTĐT được kiểm định bởi tổ chức ABET. Đồng thời, sinh viên tốt nghiệp từ chương đào tạo được kiểm định ABET được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, đa quốc gia. Bên cạnh đó, đạt chuẩn kiểm định ABET nghĩa là chất lượng đào tạo của chương trình đó được công nhận trên toàn cầu. Trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện tại, khi lao động dịch chuyển tự do giữa các khu vực và quốc gia thì người lao động được đào tạo đạt chuẩn chất lượng do Hội đồng kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ Hòa Kỳ công nhận sẽ mở rộng cơ hội việc làm...”, TS Nguyễn Trung Nhân nhìn nhận..
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng, theo học một chương trình đạt chuẩn kiểm định của ABET, người học sẽ được thụ hưởng một CTĐT có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của tổ chức kiểm định nghề nghiệp, đồng thời có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp và có thể nhận được nhiều ưu đãi khi làm việc cho các công ty, doanh nghiệp của Hoa Kỳ.
Nguyễn Đỗ Trí Dũng (Lớp DHCT15ATT, ngành Công nghệ kỹ thuật chế tạo máy, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) chia sẻ: “Em rất vui khi hay tin ngành học của mình của đạt chuẩn ABET. Trong đó, quá trình học, em được nhà trường theo dõi chặt chẽ thông qua hệ thống cố vấn, nhằm đánh giá sinh viên có đạt được các kết quả như mong muốn hay không. Bên cạnh đó, hệ thống phòng thực hành theo chuẩn ABET cũng rất tốt...”.
“Đối với cơ sở GDĐH, việc CTĐT đạt chuẩn kiểm định ABET là cơ hội để khẳng định chất lượng đào tạo, đồng thời, góp phần tạo động lực để trường tiếp tục triển khai hoạt động tự đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế cho hàng loạt chương trình còn lại”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.