Thoạt nhìn, bụi tre mọc ngược trên đỉnh đồi Canh Giới không khác nhiều với cây tre gai thông thường. Điểm dễ nhận thấy nhất là bụi không quá cao, thân cây nhỏ, cây lớn nhất cũng chỉ bằng bắp tay người bình thường.
Thật kỳ lạ, những nhánh tay tre này đều uốn cong và đâm thẳng xuống đất. Nó cắm xuống đất và mọc rễ. Trong số những cành tre uốn cong cắm xuống đất ấy, không ít cành đã mọc rễ và đâm chồi mọc thành nhánh tre mới. Bởi vậy, bụi tre rất rậm rịt, dày đặc và khó tiếp cận.
Những bụi tre bình thường như thế này, cũng mọc trên đỉnh đồi ngay gần 3 bụi tre mọc ngược, thì những cành tre luôn mọc thẳng, hướng lên đón ánh nắng mặt trời cho lá, chồi non phát triển trong quá trình quang hợp.
Ở những bụi tre mọc ngược, cành tre uốn cong và đâm thẳng xuống đất. Thêm nữa, cành tre mọc ngược ở mỗi mấu tre cũng có 3 chiếc gai nhọn như các giống tre gai bình thường.
Điều đặc biệt ở đây là chiếc gai tre ở giữa luôn mọc dài hơn cả và phát triển thành một cành mới. Đây là sự khác biệt so với tre gai thông thường. Điều đó lý giải tại sao mật độ gai tre ở đây dày như một bức lưới bằng gai tự nhiên bao quanh bụi tre.
Cũng tại đồi Canh Giới, chúng tôi còn phát hiện ra một di tích khác là hệ thống hào sâu bao quanh ngọn đồi, ngay phía dưới gốc của 3 bụi tre lạ.
Những người dân ở đây cho hay, hệ thống hào này đã có từ rất lâu và được bố trí rất khoa học. Nhìn lại đồi Canh Giới có thể thấy đây là nơi trọng yếu. Từ đây, có thể quan sát khu vực bãi bồi dọc hai bờ của dòng sông Lam.
Đặc biệt, đứng trên đỉnh đồi nhìn sang phía bên kia sông là miền Trà Lân - địa danh mà Nguyễn Trãi đã nhắc đến trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo nổi tiếng.
Nếu khớp hình ảnh của loài tre mọc ngược với hệ thống hào sâu ở đây, hoàn toàn có thể nghĩ rằng, nơi này từng là căn cứ quân sự của các cuộc khởi nghĩa trong lịch sử. Và loài tre mọc ngược, với mật độ tre gai dày đặc, khác thường có thể là công cụ bảo vệ và ngụy trang hiệu quả thời xưa.