Tìm về ký ức với “Giấc mơ bay”

Tìm về ký ức với “Giấc mơ bay”

Với các đối tượng khác nhau, phim hoạt hình được mở rộng giá trị và tính đa nghĩa qua cái nhìn giữa quá khứ và hiện tại.

Diễn giải đơn giản

"Giấc mơ bay" là chùm tác phẩm của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất từ 1959 tới nay, được các học viên khóa Giám tuyển phim, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh (TPD) khởi xướng, giới thiệu. Các tác phẩm vốn quen thuộc trên màn ảnh nhỏ trong ký ức tuổi thơ một thời như phim hoạt họa "Đáng đời thằng cáo" (đạo diễn Lê Minh Hiền, 1960), phim búp bê "Giấc mơ bay" (Hữu Đức, 1976), phim cắt giấy "Bộ xương biết múa" (Bảo Quang, 1993), "Một cuộc thi hoa hậu" (Phan Trung, 1995), "Xe đạp" (Nguyễn Phương Hoa, 2000) và phim cắt giấy vi tính "Con chim gỗ" (Trần Khánh Duyên, 2019).

Các bộ phim từng có chỗ đứng quan trọng, nhưng không còn mạnh mẽ hiện diện trong bối cảnh nhiều thay đổi xã hội hơn hai thập kỷ qua, trong đó có sự xuất hiện của các hãng phim và nhóm làm hoạt hình tư nhân. Phần lớn các tác phẩm đều được làm bằng kỹ thuật thủ công, từ vẽ tay, búp bê đến cắt giấy..., không có sự can thiệp của đồ họa, ngoại trừ "Con chim gỗ" ở thể loại cắt giấy vi tính.

Theo đạo diễn Nguyễn Phương Hoa, thời điểm các bộ phim ra đời, mỗi nghệ sĩ đã đưa những suy nghĩ, quan điểm sống của mình một cách chắt lọc nhất vào tác phẩm hoạt hình. Có bộ phim ẩn chứa triết lý nhân sinh, được thể hiện dưới các câu chuyện hay hình ảnh tưởng như đơn giản để khán giả thiếu nhi có thể dễ dàng hiểu. Nhưng với người xem trưởng thành, có trải nghiệm sống nhiều hơn sẽ có cách diễn giải sâu sắc hơn.

Phim "Xe đạp", vốn không xa lạ với nhiều khán giả, chính là một thách thức lại quan điểm "phim hoạt hình là thể loại dành cho thiếu nhi", bằng cách dẫn dắt không ồn ào, hình ảnh giàu tính ước lệ. Sự khác biệt của tác phẩm có công sức rất lớn của biên kịch Phạm Sông Đông, với một kịch bản vẻn vẹn 300 chữ nhưng súc tích và nhiều tính biểu tượng. 

Tác phẩm "Bộ xương biết múa" lại mang phong vị lạ lẫm, táo bạo không chỉ trong bối cảnh (chuyện diễn ra tại Nhật Bản) mà còn trong nội dung đề cập đến cái chết và quỷ dị, với băng âm thanh được dàn dựng không theo hướng bắt tai, êm dịu thường thấy. Hay trong "Giấc mơ bay", bên cạnh bài học về sự chăm chỉ và niềm tin vào khoa học kỹ thuật bấy giờ, phim có yếu tố kỳ ảo và viễn tưởng, mở ra một thế giới trí tưởng dân gian phong phú.

Bộ phim mới nhất "Con chim gỗ" là một phát hiện của hiện tại, bởi ở đó khán giả nhìn thấy "một người lạ quen biết". Thừa hưởng thẩm mỹ của thế hệ đi trước với cách tạo hình mang tính biểu tượng, tác phẩm là một giọng phim đương thời, khúc triết và mang đậm dấu ấn hội họa cá nhân tác giả.

Tìm về ký ức với “Giấc mơ bay” ảnh 1

Quen mà lạ

Đã thấy sự quen thuộc trong trải nghiệm thị giác rất rõ ràng khi xem lại những hình ảnh mộc mạc, giản dị nhưng tình cảm của các phim hoạt hình thời kỳ trước. Điều khiến khán giả ngày nay thú vị là, họa sĩ hoạt hình giai đoạn đó đều lấy chính bản thân mình ra diễn xuất rồi vẽ lại. Họ gần như đã đưa một phần bản thân vào nhân vật tạo hình.

Đạo diễn Nguyễn Phương Hoa cho rằng, mặc dù chất lượng hình ảnh và âm thanh đã giảm rất nhiều song khi xem lại các bộ phim cũ, khán giả được nghe âm thanh của quá khứ, những bài đồng dao, cách nói năng của người thời trước, những bài học nằm lòng nhắc nhở về việc chăm chỉ lao động và học tập, về đoàn kết, về ước mơ... "Có những điều tưởng rằng đã bị lãng quên nhưng không phải. Bản thân tôi khi xem lại cũng thấy thú vị hơn cách nhìn của chúng tôi đương thời".

Vào thời kỳ đầu, kịch bản phim và lời thoại nhân vật, lời đọc diễn dịch đều được viết theo lối kịch sân khấu, trọn vẹn và hoa mỹ. Điều này mang lại cho phim một âm điệu kịch nghệ, tạo ra không khí kỳ ảo, nghiêm trang hay trào phúng theo giọng điệu của diễn viên lồng tiếng. Không khí này rất phù hợp với mục đích tuyên truyền hoặc giáo dục thiếu nhi những điều hay lẽ phải, định hướng về mặt cảm xúc và suy nghĩ.

Các bộ phim cũng gây bất ngờ với chính khán giả xưa, từ những nét vẽ, tạo hình, chuyển động, âm nhạc, giọng lồng tiếng... Ví như, "Đáng đời thằng cáo" gây xúc động bởi suy nghĩ về nỗ lực mở ra lịch sử điện ảnh hoạt hình Việt Nam từ các đạo diễn thời kỳ đầu. Những tư liệu về cách sản xuất kỳ công, khó khăn đặc thù của thể loại này khi ấy đã giải thích việc phim hoạt hình từng được coi là ước mơ trong một giai đoạn. 

Nhóm giám tuyển cho biết, để làm được cuộn phim hoạt họa "Đáng đời thằng cáo" dài 300m, tương đương với 10 phút chiếu trên màn ảnh, cần vẽ 15.000 hình ảnh trên giấy kính khổ 18x24cm. Việc quay phim cũng là một thử thách, với 8 giờ quay chỉ thu được 5 - 7 cảnh đơn giản.

Cùng với đó, sự sâu sắc, đa nghĩa của các bộ phim cũng được mở rộng về giá trị. Thời gian đầu, theo quy định, đối tượng khán giả phục vụ của xưởng phim được nêu rõ là thiếu niên - nhi đồng, độ tuổi từ 2 - 15. Phạm vi này đã tạo ra định hướng và giới hạn, cũng như phần nào định kiến rằng phim hoạt hình Việt Nam chỉ dành cho đối tượng nhỏ tuổi, trong khi ở nước ngoài đã làm phim hoạt hình cho cả người lớn. Càng về sau, phim hoạt hình dù vẫn bắt đầu từ câu chuyện đơn giản nhưng đưa đến cho khán giả hôm nay góc nhìn khác. 

Bộ phim "Xe đạp" kể câu chuyện một chiếc xe đạp đang đi trên đường thì gặp nhiều vật cản, trong đó có một con trâu rất to. Nó đã bằng cách riêng của mình, vượt qua những vật cản đó để đến đích. Bộ phim được đạo diễn phim hoạt hình người Pháp Prakash Topsy đánh giá có tính khái quát cao, cách thể hiện mạch lạc, gần gũi với khán giả trong nước và dễ hiểu với khán giả quốc tế. Với "Con chim gỗ", bộ phim được đánh giá đẹp, lạ với nhiều ý nghĩa ẩn dụ. Phim có cách kể khá mới lạ, nhiều khuôn hình mang tính điện ảnh, tạo được ấn tượng cho người xem.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ