Trong các bộ phim khoa học viễn tưởng tìm kiếm người ngoài hành tinh bao gồm việc du hành qua dải ngân hà tới những hành tinh cách xa hàng triệu dặm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng họ có thể phát hiện sự sống ngoài hành tinh ở một nơi gần Trái đất hơn – đó là ngoài rìa bầu khí quyển của chúng ta.
Các nhà khoa học Anh, đang làm việc với Cơ quan vũ trụ châu Âu, trong tuần này sẽ cho bay lên một khinh khí cầu mang các thiết bị tìm kiếm vi khuẩn và các vi sinh vật khác ở tầng bình lưu trong dự án có tên CASS-E. Họ tin rằng có thể có những loài có khả năng sống sót ở môi trường có mức độ phóng xạ cao, cực lạnh, gần như là môi trường chân không có ở rìa vũ trụ.
Các nhà khoa học đang tìm kiếm sự sống ngoài rìa khí quyển Trái đất (ảnh: Reuters) |
Các vi sinh vật có thể là hoàn toàn mới đối với khoa học và thậm chí có thể đã được mang xuống Trái đất từ ngoài vũ trụ theo các thiên thạch hay sao chổi. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta thu nhận được sự sống ngoài hành tinh và nó sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các giả thuyết rằng tất cả sự sống trên Trái đất đã được mang tới từ một nơi nào đó trong thiên hà.
Các nhà khoa học cũng hy vọng họ có thể tìm thấy những loại vi khuẩn mới bị ném vào khí quyển thông qua các núi lửa hoạt động.
Clara Juanes – Vallejo, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại trường ĐH Cranfield, nói: “Có các giả thuyết rằng sự sống trên Trái đất đến từ ngoài vũ trụ, do đó chúng ta cần biết rằng sự sống đó có thể sống sót được trong các điều khiện của vũ trụ hay không để chứng minh giả thuyết trên. Môi trường ở tầng bình lưu rất khắc nghiệt. Nó có thể thấp xuống âm 90 độ C và gần như là môi trường chân không. Ở đây cũng có rất nhiều phóng xạ có hại vì không có tầng bảo vệ như tầng khí quyển mà chúng ta có. Nếu chúng ta biết rằng sự sống đó có thể chống chọi được trong môi trường khắc nghiệt như vậy, thì nó cũng có thể sống được ở các nơi như sao Hỏa hay trên các thiên thạch.
“Nếu chúng ta tìm thấy vi sinh vật ở trên đó, thì sẽ có một số cách chúng có thể đến đó như từ vũ trụ, từ núi lửa của chúng ta phun lên”.
Khinh khí cầu mang thiết bị trong dự án trị giá 60.000 bảng sẽ được gửi lên cao 21 dặm bên trên vòng bắc cực. Các thiết bị sẽ thu thập bất kỳ vi sinh vật nào ngoài khí quyển trước khi niêm phong và quay trở về Trái đất để phân tích.
Tại độ cao này, áp suất cao gấp trăm lần so với mặt đất và có rất nhiều tia cực tím độc hại có thể giết chết hầu hết các dạng sống. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng mới phát hiện ra các vi khuẩn trên Trái đất có thể sống sót ở những điều kiện tương tự và một số loại còn tạo thành bào tử cho phép chúng sống trong các điều kiện vô cùng khắc nghiệt trong thời gian dài.
9 năm trước, các nhà khoa học Ấn Độ đã cố gắng phát hiện xem sự sống có thể tồn tại ở tầng binh lưu hay không, nhưng những gì họ tìm được mau chóng bị nghi ngờ vì họ không đảm bảo được rằng các thiết bị thu thập của họ là vô trùng.
Sự sống được cho là đã xuất hiện lần đầu tiên trên Trái đất vào khoảng 3,8 tỉ năm trước nhưng nó đã bắt đầu thế nào vẫn là một chủ điểm còn nhiều tranh cãi. Một số nhà khoa học cho rằng mầm mống sự sống trên Trái đất thực ra bắt đầu từ đâu đó trong dải ngân hà và các vi khuẩn được mang tới đây trên một thiên thạch đóng băng hoặc sao chổi va chạm với hành tinh của chúng ta.
Nghiên cứu gần đây cũng cho rằng sự sống trên Trái đất thậm chí có từ trước vụ nổ thiên thạch lớn cách đây khoảng 3,9 tỉ năm trước, khi đó sự sống ở những môi trường dưới lòng đất đã được bảo vệ và sống sót.
Thiên thạch tiếp tục va vào Trái đất của chúng ta nhưng không thường xuyên và thường bị đốt cháy trong khí quyển. Các nhà khoa học cho rằng một số thiên thạch có sự sống bên ngoài khí quyển trước khi chúng bị đốt cháy.
Hà Châu (Theo Telegraph)