Chúng ta biết rằng, thị lực là một trong những giác quan phức tạp nhất trên cơ thể con người.
Hầu hết mắt chúng ta sở hữu 3 loại tế bào hình nón - giúp phân biệt màu sắc (trichromats). Mỗi tế bào có thể phân biệt 100 sắc độ màu sắc khác nhau, khi kết hợp 3 tế bào, mắt người sẽ có thể nhận diện được khoảng 1 triệu màu sắc. Những người bị mù màu thường chỉ có 2 tế bào (dichromats) và họ nhận biết được khoảng 10.000 màu.
Tuy nhiên, người phụ nữ này lại có đến 4 loại tế bào trong mắt - gọi là "tetrachromats" - đưa số lượng màu sắc mà cô có thể phân biệt được lên tới gần 100 triệu. Đó là con số mà không một nhà khoa học nào có thể ước tính.
Được biết, sự tồn tại của "tetrachromats" đã được phát hiện vào năm 1948 bởi nhà khoa học người Đức - HL de Vries. Ông đã chứng minh được con/ cháu gái của người mù màu có 3 tế bào nhận diện màu sắc bình thường, và một tế bào đột biến không nhạy cảm với ánh sáng xanh/đỏ thừa hưởng từ đời trước. Như vậy, họ có 4 tế bào nhận diện màu sắc tất cả. Tuy tế bào thứ 4 không hoạt động nhưng nó là thứ tiềm tàng trong người.
Đến năm 2007, nhà thần kinh học Gabriele Jordan thuộc ĐH Newcastle (Anh) đã thực hiện một cuộc thử nghiệm để tìm người nào có đủ 4 tế bào nhận diện màu sắc đang hoạt động.
Cô đặt 25 người phụ nữ có đủ 4 tế bào màu trong phòng tối, sau đó mở một thiết bị hiển thị màu. Với những người chỉ có 3 tế bào màu hoạt động, họ không thể nhận diện được màu sắc từ 3 vòng tròn hiển thị trên thiết bị nhưng người có đủ 4 tế bào lại có thể làm điều này. Và thật bất ngờ, cô đã tìm được người phụ nữ (nói trên) có khả năng này - được đặt mã là cDa29.
Jordan cho rằng, do màu sắc của những đồ vật hàng ngày thường không đa dạng nên khiến tế bào màu thứ 4 không có nhu cầu làm việc, và cứ thế nó bị tiêu biến dần.
Do đó, Jordan cho rằng, để khơi gợi khả năng "tetrachromats" tiềm ẩn, chúng ta phải tạo ra các sắc độ màu hoàn toàn mới khác.
Hiện Jordan và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu về trường hợp cDa29 này. Các chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta có thể xác nhận rằng "tetrachromats" thực sự tồn tại thì nó không chỉ giúp ta hiểu hơn về mặt hạn chế của giác quan con người mà qua đó còn là động lực khiến các nhà khoa học phát triển thiết bị cảm biến nhân tạo tốt hơn.