Người dân Hà Nội đã quá quen với cảnh tượng này (ảnh minh họa) |
Hiện nay, Hà Nội có 3.974km đường, 237 cầu các loại, chiếm 7% diện tích thành phố. Với sự gia tăng hàng năm 10 -15% lượng phương tiện cá nhân, hiện các con đường Hà Nội đang bị quá tải bởi 300.000 ôtô, 3,6 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe đạp. Trong khi số lượng xe công cộng mới đạt hơn 1.200 xe buýt với 72 tuyến vận hành. Bất cập này đã làm giao thông Hà Nội trở nên căng thẳng. Trong năm 2009, Hà Nội tồn tại hàng trăm nút giao thông hay gây ách tắc, kẹt xe.
Trong năm vừa qua, Hà Nội đã thí điểm phân làn, đặt dải mềm phân cách tại các ngã tư có mật độ phương tiện giao thông tham gia lớn và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Nhưng về lâu dài, cần xác định nguyên nhân, có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể và khoa học hơn.
Đây là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để giảm thiểu số lượng phương tiện giao thông cá nhân trên đường phố. Vì khi có hệ thống vận tải công cộng hiện đại, chuyên nghiệp thì không có lý do gì người dân không hưởng ứng. Vì vậy, cần nghiên cứu, điều chỉnh các tuyến xe buýt, kéo dài hợp lý các tuyến xe theo địa giới mới của thành phố.
Bổ sung một số tuyến theo hướng xã hội hóa và bố trí xe đưa đón cán bộ công nhân viên, sinh viên, học sinh. Thay thế một số loại xe buýt phù hợp với thực tế và triển khai một số tuyến xe buýt nhanh trên tuyến đường có nhu cầu, mật độ phục vụ cao.
Thành phố cần dồn sức giải phóng mặt bằng, di chuyển công trình để thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông.
Trong Thông báo số 358 mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội cần tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm đỗ, dừng phương tiện trên hè phố, lòng đường không đảm bảo điều kiện. Cương quyết xóa bỏ các điểm trông giữ phương tiện ảnh hưởng đến đến giao thông.
Trước mắt, lập các tổ công tác kiểm tra xử lý nghiêm khắc các phương tiện giao thông đi ngược chiều, lấn đường, đỗ sai quy định, nhất là tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, UBND các huyện, quận cần tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm lấn chiếm đường phố làm nơi bán hàng hoặc đổ phế thải nơi công cộng, lòng đường.
Một số lưu ý của Phó Thủ tướng như: bổ sung, duy trì các vạch sơn, gờ giảm tốc, đèn cho người đi bộ ở các tuyến đường; tổ chức các cặp đường một chiều đồng bộ với phân luồng, phân làn phương tiện trên một số tuyến phố; bổ sung hệ thống biển báo giao thông; tăng cường cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ở các vị trí thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm…
Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã ủy quyền cho UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện Dự án mở rộng đường Mai Dịch - Nội Bài và Dự án đường vành đai 4.
Hiện tại, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án tuyến đường Tây Thăng Long (đường trục phát triển huyện Đan Phượng, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây). Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải hoàn tất các thủ tục để triển khai Dự án đường vành đai 3 giai đoạn 2.
Cũng trong văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó nâng cao mức xử phạt, đủ sức răn đe các hành vi vi phạm giao thông.
Đồng thời, Hà Nội sớm triển khai việc di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô.
Hiện nay, Hà Nội có nhiều điểm trông giữ phương tiện mọc lên tràn lan, gây mất mỹ quan, trật tự đô thị cũng như gây mất an toàn giao thông. Nhưng trên thực tế, vẫn cần duy trì dịch vụ này theo đúng quy định, vì đây là nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Giải quyết vấn đề trên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc tăng phí dịch vụ trông giữ phương tiện trong nội thành Hà Nội, bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu thêm các giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ này.
Quang Anh