Tìm huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam:

Tìm người kế nhiệm huấn luyện viên Park Hang Seo theo lộ trình hay mạo hiểm?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ai sẽ là người kế nhiệm huấn luyện viên Park Hang Seo đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ khán giả và chính các cầu thủ Việt Nam.

Tiến Linh ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Indonesia trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2022.
Tiến Linh ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Indonesia trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2022.

Trong khi đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đứng trước ngã ba đường, lựa chọn gương mặt quen thuộc hay với người mới tiềm ẩn sự mạo hiểm lớn hơn?

Mặt trái của cầu toàn

Trong lần gia hạn hợp đồng gần nhất với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vào cuối năm 2021, huấn luyện viên Park Hang Seo nhận mức lương được cho là vào khoảng 50 nghìn USD/tháng, tương đương 600 nghìn USD/năm cùng nhiều quyền lợi cực kỳ hấp dẫn khác.

Nhưng đó là lương sau thuế, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chịu trách nhiệm chi trả tiền thuế cho ông Park và nếu tính cả khoản thuế thu nhập cá nhân của chiến lược gia người Hàn thì giá trị hợp đồng lên đến cả triệu USD/năm.

Kể từ khi huấn luyện viên Park Hang Seo tuyên bố không gia hạn thêm hợp đồng cách đây gần 3 tháng, việc tìm người thay thế đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 9, nhiệm kỳ 2022 - 2026. Điều đó sẽ mang tính sống còn bởi nhiệm kỳ 9 hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng. Đặc biệt là giành vé dự vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á và vòng chung kết World Cup 2030.

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định, thường trực và Ban Chấp hành VFF sẽ nhanh chóng bắt tay vào quá trình tìm kiếm huấn luyện viên mới cho đội tuyển nam Việt Nam.

Trong khi đó, ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch chuyên môn VFF cho biết, không dễ để tìm huấn luyện viên mới cho đội tuyển quốc gia. Huấn luyện viên đó phải phù hợp với văn hóa, trình độ và cả nguồn tài chính của VFF.

Ngay sau khi kiện toàn đội ngũ, VFF cần họp gấp để tìm ra đáp án và tháng 3/2023 được coi là thời điểm ra mắt người ngồi ghế nóng thay ông Park.

Liên quan đến người kế nhiệm chiến lược gia người Hàn, một số chuyên gia cho rằng, với vị thế hàng đầu khu vực hiện nay và bóng đá Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ, tài năng, VFF nên tính phương án thầy nội. Sự lựa chọn quen thuộc này bảo đảm cho sự kế thừa từ những thành tựu của ông Park sau 5 năm gây dựng với bóng đá Việt Nam.

Ngoài ra, thầy nội cũng là cách để VFF có thể “nắm” các đội tuyển tốt hơn trong vai trò quản lý so với thầy ngoại là một gương mặt mới, có thể mang theo cá tính mạnh.

Tuy nhiên, thầy nội không phải là sự lựa chọn bảo đảm về thành tích cho bóng đá Việt Nam, cũng như xu thế của khu vực. Tại AFF Cup 2022, cả 10 đội tuyển tham dự giải đấu đều do các huấn luyện viên tới từ bên ngoài Đông Nam Á dẫn dắt.

Với đội tuyển Việt Nam, hai chức vô địch AFF Cup (2008 và 2018) đều gắn với tên tuổi của huấn luyện viên ngoại. Các thầy nội cũng được trao cơ hội nhưng bởi nhiều lý do khác nhau nên không thành công. Vì thế, thầy nội nếu được chọn cũng chỉ là giải pháp tình thế trong tình huống VFF chưa tìm được thầy ngoại ưng ý.

Bên cạnh thầy nội, một số cái tên quen thuộc được đặt ra như ông Lee Young-jin, hay cựu danh thủ Thái Lan Kiatisak. Ông Lee Young-jin được coi là “cánh tay phải” của huấn luyện viên Park Hang Seo, xuyên suốt những thành công của bóng đá Việt Nam 5 năm qua. Có thời điểm, ông Lee Young-jin được tin tưởng trao vai trò tạm quyền huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam, trong khi Kiatisak đã thành danh trong cả vai trò cầu thủ và huấn luyện viên với bóng đá Thái Lan. Trong đó, “Zico” Thái là người dẫn dắt đội tuyển Thái Lan lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á.

Tuy nhiên, ông Lee Young-jin chỉ là người đứng sau huấn luyện viên Park Hang Seo, thực hiện một phần ý tưởng của người đồng hương với đội tuyển quốc gia Việt Nam. Điều đó có nghĩa, trợ lý Lee chưa cho thấy khả năng nắm vai trò tổng chỉ huy đội tuyển quốc gia, mà ông chỉ đóng vai trò như một tướng tiên phong trong chiến dịch của ông Park.

Điều đó đồng nghĩa ông Lee không có kinh nghiệm cầm quân, khả năng chịu đựng sức ép ở các giải đấu lớn, các trận đấu khó. Nếu được trao cơ hội nắm đội tuyển Việt Nam, ông Lee nhiều khả năng khó lặp lại thành tích như ông Park.

Huấn luyện viên Park Hang Seo đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào chung kết AFF Cup 2022.

Huấn luyện viên Park Hang Seo đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào chung kết AFF Cup 2022.

Kiatisak là huấn luyện viên giỏi của bóng đá Thái Lan. Trong vai trò huấn luyện viên trưởng, ông đã cùng bóng đá xứ chùa Vàng giành 2 chức vô địch AFF Cup (2014, 2016), Huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games 2013 và đỉnh cao là lọt vào vòng đấu loại cuối cùng tranh vé đi Nga dự World Cup 2018 khu vực châu Á.

Trong một chia sẻ gần đây, về khả năng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, chiến lược gia người Thái cho biết, ông còn 2 năm hợp đồng với Hoàng Anh Gia Lai và quyết định nằm ở trong tay bầu Đức. Nhưng ông cũng hé mở rằng không ai biết trước được điều gì trong tương lai.

Trong trường hợp VFF lựa chọn phương án Kiatisak, gần như chắc chắn bầu Đức sẽ ủng hộ. Chủ tịch của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai luôn sẵn sàng làm những gì có thể cho đội tuyển quốc gia.

Trước đó, ông Đức cũng là người tìm kiếm, tiến cử huấn luyện Park Hang Seo cho VFF và ông cũng đứng ra trả lương năm đầu tiên cho chiến lược gia người Hàn. Với động thái nhiều cầu thủ trụ cột của đội bóng phố Núi lần lượt ra đi như Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh…, dường như bầu Đức có xoay chuyển trong cách làm bóng đá và ông có thể không giữ Kiatisak ở lại.

Mặc dù vậy, cũng phải nhìn nhận thực tế, Kiatisak không thành công trong vai trò huấn luyện viên cấp câu lạc bộ. Ở Thái Lan là các đội Port FC, Chonburi, Bangkok FC, Chula United và Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai. Nhắc đến điều đó để nhấn mạnh rằng, tài năng và thành công không phải lúc nào cũng song hành.

Thành công của bất cứ đội bóng nào cũng cần năng lực cầm quân và điều kiện khác như đội ngũ trợ lý, chất lượng cầu thủ, khả năng hòa nhập. Rõ ràng, bóng đá Thái Lan và Việt Nam khác nhau rất nhiều. Kiatisak cầm quân đội tuyển Thái Lan, nơi ông thành danh chắc chắn thuận lợi hơn nhiều so với đội tuyển Việt Nam.

Kiatisak có thể là sự lựa chọn an toàn cho VFF nhưng phương án này cũng đối mặt với 2 ẩn số. Thứ nhất, “Zico” Thái có thể không thất bại trong cương vị huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam, song ông có tái lập thành tích rực rỡ như người tiền nhiệm Park Hang Seo?

Thứ hai, bóng đá Việt Nam đang bước vào giai đoạn với những tham vọng rất lớn như lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu Á, đua tranh suất tham dự World Cup 2026, 2030. Liệu Kiatisak có đáp ứng được không? “Zico” Thái bị Liên đoàn Bóng đá quốc gia sa thải cũng bởi thành tích tệ hại ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018.

Huấn luyện viên Philippe Troussier (bên phải) và ông Park Hang Seo.

Huấn luyện viên Philippe Troussier (bên phải) và ông Park Hang Seo.

Những ứng viên “khủng”

Những ngày qua, thông tin về ứng viên có khả năng thay thế huấn luyện viên Park Hang Seo xuất hiện thường xuyên. Philippe Troussier, người từng sát cánh với đội U19 Việt Nam trước đây là một trong những cái tên được nhắc đến. Ông từng dẫn dắt các đội tuyển Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Nigeria, Nam Phi, Nhật Bản, Qatar, Maroco và nhiều câu lạc bộ.

Ngoài việc 2 lần dự World Cup, chiến lược gia người Pháp từng giúp đội tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 và cùng đội U20 Nhật Bản đoạt ngôi Á quân U20 World Cup 1999.

Trong danh sách ứng cử viên còn có Robert Prosinecki, người Croatia. Khi còn thi đấu, Robert Prosinecki từng thi đấu cho cả hai câu lạc bộ danh tiếng của Tây Ban Nha là Barcelona và Real Madrid. Năm 1987, ông đoạt danh hiệu Cậu bé Vàng thế giới. Ba năm sau, Prosinecki được chọn làm Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Italia 90 (World Cup 1990).

Prosinecki cùng đội tuyển Croatia đoạt Huy chương Đồng World Cup 1998 tại Pháp. Tuy nhiên, ông không để lại được nhiều dấu ấn khi theo nghiệp cầm quân, kể cả cấp câu lạc bộ.

Marc Wilmots cũng là cái tên rất đáng chú ý. Chiến lược gia sinh năm 1969 là một cựu cầu thủ nổi tiếng của bóng đá Bỉ. Khi bắt đầu nghiệp cầm quân, Marc Wilmots cũng để lại nhiều dấu ấn. Ông dẫn dắt đội tuyển Bỉ từ năm 2012 đến năm 2016 và giúp đội bóng của mình leo lên vị trí số một thế giới trên bảng xếp hạng FIFA.

Ông là người được Liên đoàn Bóng đá quốc gia tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn dắt lứa cầu thủ “thế hệ vàng” của bóng đá Bỉ như Kevin De Bruyne, Eden Hazard, Romelu Lukaku... Hiện Marc Wilmots dẫn dắt Raja, câu lạc bộ nổi tiếng tại Morocco.

Ngoài ra, huấn luyện viên Javier Clemente đã nộp đơn ứng cử vào vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam. Trong sự nghiệp của mình, chiến lược gia người Tây Ban Nha có khoảng thời gian gắn bó với câu lạc bộ Atletico Madrid rồi đến Athletic Bilbao, dẫn dắt đội tuyển Tây Ban Nha trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 1998 với kỷ lục 31 trận bất bại liên tiếp.

Javier Clemente mới đây dẫn dắt đội tuyển Libya tại Cúp vùng vịnh 2021 và vòng loại World Cup 2022. Hiện ông đang thất nghiệp sau khi chia tay đội bóng châu Á này.

Danh sách ứng viên với lý lịch “khủng” trong tay VFF rất nhiều. Vấn đề đặt ra với VFF lúc này cần tìm ra người phù hợp. Phù hợp ở đây có nhiều yếu tố. Chẳng hạn như mức lương 2 bên có thể thương thảo được không? Nhiều ứng viên đến từ châu Âu có thể đòi hỏi lương 1 - 2 triệu USD/năm.

Như Robert Prosinecki, ông từng hưởng mức lương khoảng 1,5 triệu USD/năm. Philippe Troussier đến Việt Nam nhận lương 1,2 triệu USD/năm, nhưng đây là khoản do một doanh nghiệp chi trả. Nếu tính cả thuế, chi phí cho các thầy ngoại này sẽ đội lên gấp đôi, VFF gần như không thể kham nổi.

Đặc biệt, như đã đề cập, bóng đá Việt Nam đang đứng trước những tham vọng rất lớn. Đội tuyển Việt Nam đang duy trì vị trí trong Top 100 thế giới, VFF có đặt ra tham vọng vươn lên Top 90 hay Top 80 hay không? Nếu lấy World Cup 2026 là cột mốc để chặng đường lịch sử thì đội tuyển quốc gia một huấn luyện viên tên tuổi tầm thế giới. Bởi nhiều người đồng quan điểm rằng, đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang Seo đã hết đà. Vòng loại thứ ba World Cup 2022 vừa qua là đỉnh cao của ông thầy người Hàn, nơi đội chỉ thắng được 1 trong 10 trận.

Một sự lựa chọn theo lộ trình nghĩa là tiếp nối sự phát triển hiện tại, hoặc nhanh hơn một chút, cùng tân huấn luyện viên phù hợp về trình độ, tiền lương được coi là bước đi cần thiết.

Bóng đá Việt Nam muốn đến World Cup cần có sự phát triển đồng đều về nhiều yếu tố, như giải vô địch quốc gia và cơ sở hạ tầng, sân Mỹ Đình vừa qua là câu chuyện buồn. Chúng ta cần tránh tâm lý “vẽ vời trên giấy” với những mục tiêu “đao to búa lớn”, cũng như tránh tư duy nhiệm kỳ trong lựa chọn huấn luyện viên, quanh quẩn với SEA Games và AFF Cup để báo cáo thành tích.

Đại biểu huấn luyện viên quốc gia khóa 9 (nhiệm kỳ 2022 - 2026) đã bầu ra Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia, gồm các huấn luyện viên: Lê Huỳnh Đức, Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Sỹ Hiển, Đoàn Thị Kim Chi.

Hội đồng huấn luyện viên quốc gia chính là những người tư vấn, hỗ trợ VFF trong việc tìm kiếm huấn luyện viên cho các đội tuyển quốc gia, định hướng phát triển chuyên môn cho bóng đá Việt Nam.

Lãnh đạo VFF khẳng định, ở nhiệm kỳ mới, vai trò của Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia rất quan trọng, nhất là khi ông Park chia tay đội tuyển Việt Nam sau AFF Cup 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ