Bài 2: Nhiều bất cập trong phát triển nhân lực
Chuyển dịch cơ cấu đào tạo
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch có cơ cấu nhân lực giữa các độ tuổi có xu hướng ổn định, không biến động lớn. Du lịch có lực lượng nguồn nhân lực trẻ, dưới 30 tuổi chiếm tới 40%, từ 31 - 40 tuổi chiếm 36%, từ 41 - 50 tuổi chiếm 21% và trên 50 tuổi chiếm 3%. Lực lượng nhân lực kế cận và lực lượng nhân lực đang làm việc của ngành du lịch ở độ “vàng”, đủ để đảm bảo gánh vác nhiệm vụ phát triển ngành. Cơ cấu nhân lực theo độ tuổi cũng hợp lý.
Cũng theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống các cơ sở giáo dục du lịch phát triển nhanh. Hệ thống ngành đào tạo và bậc đào tạo đã được hoàn thiện từ sơ cấp đến sau đại học.
Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển dần từ cách thức tiếp cận theo quy trình sang tiếp cận theo năng lực, gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Theo đó, những người trẻ tuổi sau khi ra trường có thể thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội.
Có thể nhận định, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển cả về số lượng và cơ cấu. Tính chuyên nghiệp của nhân lực ngành du lịch nói chung dần được nâng cao. Thị trường lao động du lịch được trẻ hóa và ngày càng chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành.
Cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia đào tạo du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn. Đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo du lịch tăng về số lượng và từng bước được chuẩn hóa, cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực.
Nhiều cơ sở đào tạo du lịch trong toàn quốc đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo. Mỗi năm cả nước tuyển sinh khoảng 22 nghìn học sinh, sinh viên du lịch. Ứớc khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng và 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp tìm được việc làm phù hợp với ngành đào tạo. Đồng thời, thu hút nguồn lực quốc tế triển khai nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng liên quan đến du lịch trên cả nước. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng người lao động trẻ theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đã phổ biến hơn.
Phải thay đổi cách làm việc
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại những bất cập đối với đội ngũ nhân lực. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch các cấp cần quan tâm để giải quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, tỉ lệ nguồn nhân lực du lịch được đào tạo bài bản dù có tăng nhưng nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản vẫn còn cao. Số lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hàng năm là khá lớn nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt là chưa tương xứng với tình hình phát triển du lịch những năm gần đây.
Bên cạnh đó là việc mất cân đối về quy mô, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch giữa các địa phương, vùng miền vẫn còn rõ rệt. Chất lượng sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường không đồng đều, nhưng do nhu cầu về nhân lực du lịch khá cao nên sinh viên tốt nghiệp vẫn tìm được việc làm ngay. Dù vậy, nhiều người trẻ không gắn bó với ngành, thường xuyên chuyển việc gây ra mất ổn định nhân lực du lịch.
Ngoài ra, những vấn đề xung quanh đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và tính nhạy cảm của người làm du lịch vẫn còn bất cập. Việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động và bản thân người lao động vẫn còn hạn chế.
Việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch là một trong những nhiệm vụ đang được nhiều địa phương, đơn vị chú trọng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực bổ sung là vấn đề khiến nhiều đơn vị lo lắng.
Chuyên gia cho rằng, lực lượng lao động cần phải thay đổi cách làm việc, tiếp cận với công nghệ, thị trường thì mới thu hút được du khách. Chưa kể đến, nguồn nhân lực hiện nay còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ mà cốt lõi là vấn đề đào tạo. Nhiều công ty lữ hành khi tuyển dụng hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng.
Vì vậy, việc tuyển dụng nhân sự theo mong muốn là tương đối khó khăn trong thời phục hồi ngành du lịch. Phần lớn, đội ngũ nhân sự cũ vẫn bị ảnh hưởng thói quen làm việc trước đây. Còn lực lượng lao động mới tuyển từ các trường đại học lại thiếu kinh nghiệm thực tế. Một trong những hạn chế của lực lượng nhân sự hiện nay là thiếu các kỹ năng mềm về ứng dụng công nghệ, xử lý tình huống.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, ngoài sự đồng hành, định hướng của các bộ và các sở, ngành, địa phương, việc xây dựng sản phẩm gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được các doanh nghiệp chủ động hơn nữa. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ gắn với tình hình thực tiễn. Đây được xem là bước chuẩn bị cơ bản để giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi sau dịch.