- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ kiến nghị lên Thủ tướng, trước mắt, giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm; Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm, các trường/khoa ĐH sư phạm địa phương, các trường/khoa CĐ sư phạm địa phương. Ông suy nghĩ sao về kiến nghị này?
- Hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm ở nước ta có quá trình hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn với vai trò quan trọng và ý nghĩa lịch sử nhất định. Hệ thống này đã góp phần đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo kịp thời đáp ứng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà trong suốt thời gian qua.
Việc đề xuất “trước mắt nên giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay, thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm, các trường/khoa ĐH sư phạm địa phương, các trường/khoa CĐ sư phạm địa phương” là rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới hiện nay, theo tôi, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm là một giải pháp cần thiết, phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục của đất nước và địa phương; góp phần giải quyết thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
- Theo ông vì sao cần phải rà soát, tổ chức lại các trường sư phạm?
- Tính đến tháng 3/2019, cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có 15 trường ĐH sư phạm; 48 trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường CĐ sư phạm; 19 CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Các cơ sở đào tạo phân bố ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Tình trạng thừa và thiếu giáo viên đang diễn ra, theo dự báo sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa, khi nhiều địa phương đang thực hiện cắt, giảm biên chế, nhất là giáo viên hợp đồng, theo Nghị quyết 19-NQ/TW để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% biên chế vào năm 2021.
Vì vậy, phương án rà soát, tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm ở nước ta có ý nghĩa cấp thiết, góp phần giải quyết “bài toán thừa và thiếu giáo viên vừa mang tính cục bộ, vừa mang tính hệ thống”, hướng đến mục tiêu chất lượng trong đào tạo và hiệu quả trong sử dụng.
- Đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia “Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên làm chủ nhiệm đưa mục tiêu: Đến năm 2025 hình thành một mạng lưới các trường sư phạm gồm dưới 10 trường chủ chốt. Các cơ sở đào tạo giáo viên khác được thiết kế chuyển thành “vệ tinh” của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt; giảm số lượng đầu mối trường sư phạm ở các trường không đạt chuẩn chất lượng... Điều này có là phù hợp và khả thi không, thưa ông?
- Theo tôi, đây là một phương án cần thiết và khả thi trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp sau. Đề tài hướng đến việc hình thành mạng lưới các trường sư phạm với “10 trường ĐH sư phạm chủ chốt”. Đây là các trường có đủ năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các trường sư phạm; hội nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
- Là trường đào tạo sư phạm của địa phương, trực tiếp chịu ảnh hưởng của việc tổ chức, sắp xếp lại các trường sư phạm, ông có đề xuất, kiến nghị gì liên quan đến công việc này?
Bản thân tôi cũng đồng quan điểm với các nhà quản lý giáo dục về việc cần phải tập trung nghiên cứu kỹ về quy mô dân số, đặc thù vùng miền, phân bố địa lý, về dự báo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực xã hội đang và sẽ cần, nghiên cứu mô hình, giải pháp trọng tâm, giải pháp then chốt, giải pháp đột phá, tiến hành đánh giá toàn diện năng lực đào tạo của từng cơ sở đào tạo sư phạm, vai trò, thành tựu và ý nghĩa lịch sử hình thành, phát triển của các cơ sở đào tạo sư phạm... để có phương án quy hoạch phù hợp nhất.
Khi tiến hành quy hoạch, cần tham vấn nhiều bên có liên quan, có định hướng cụ thể, rõ ràng (trường chủ chốt, phân hiệu, cơ sở đào tạo vệ tinh…), có thêm phướng án phân công được nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sau ĐH các ngành khoa học giáo dục, nhiệm vụ đào tạo bổ sung, nhiệm vụ bồi dưỡng nhà giáo, nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học giáo dục và phục vụ cộng đồng. “Giải pháp liên kết đào tạo theo địa chỉ” cũng là một phương án cần được quan tâm khi tiến hành quy hoạch hệ thống các trường sư phạm.
- Xin cảm ơn ông!