Brexit ((ám chỉ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) là vấn đề không chỉ của riêng nước Anh mà nó còn liên quan đến cả các nước trong EU. Theo nhận định của tờ Financial Times (Anh) số ra mới đây, Brexit đã triệt tiêu điểm cân bằng của châu Âu, do vậy việc xem xét lại quyền bảo vệ thiểu số trong Hội đồng châu Âu trở nên thực sự quan trọng.
Hiệp ước Lisbon đã quy định để có thể ngăn chặn một quyết định của khối thì cần sự nhất trí của 35% dân số EU. Hiện nay, tổng dân số của 5 nước Anh, Đức, Hà Lan, Áo và Phần Lan chiếm vừa đủ 35% dân số của EU, đây là các nước ủng hộ tự do thương mại.
Trong khi đó, nền kinh tế của các nước vùng Địa Trung Hải vốn có truyền thống nền kinh tế dựa vào thuyết bảo hộ và sự can thiệp của nhà nước, có tổng dân số chiếm 36% dân số EU.
Khi Anh quyết định rời EU, dân số Anh chiếm tới 25% dân số của EU, trong khi đó, thành viên EU đến từ các nước vùng Địa Trung Hải mở rộng chiếm tới 42% dân số của EU. Tờ Financial Times cảnh báo rằng Nhóm các nước vùng Địa Trung Hải có thể sẽ sử dụng lợi thế số đông của mình để biến châu Âu thành khối kinh tế đóng.
Trước thực tế nói trên, những quy định về các quyền thiểu số hiện hành của EU đòi hỏi phải có những cuộc đàm phán mới. Các cuộc đàm phán phải được tiến hành đồng thời, cần được tái sắp xếp lại cả trong mối quan hệ nội khối và trong mối quan hệ với nước Anh.
Tờ Financial Times bình luận rằng một khi các cuộc đàm phán về mối quan hệ của EU với Anh hoàn tất thì sẽ không có cơ hội để cải cách EU được nữa. Các nước EU cần chấm dứt việc cổ súy, thúc đẩy ý tưởng về một "châu Âu với hai cấp độ", chính điều này phản ánh sự chia rẽ giữa các nước sử dụng đồng tiền chung Euro, giữa các nước trong khối Schengen và EU.
Việc theo đuổi ý tưởng này chắc chắn sẽ nhận được sự phản đối từ Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, CH Czech và Hungary. Việc phân chia châu Âu thành hai cấp độ sẽ khiến Bắc Âu và Đông Âu bị chia rẽ rõ rệt hơn, trong khi biến các nước Tây Âu trong khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trở thành liên minh mới.
Tại Pháp, Emmanuel Macron - ứng cử viên chạy đua vào vị trí Tổng thống Pháp, một người theo trường phái trung dung độc lập - đã đề xuất một loạt chính sách chung như ngân sách chung của EU, trái phiếu EU, bảo hiểm tiền tiết kiệm và bảo hiểm thất nghiệp chung. Các nước Bắc Âu trong khối Eurozone phản đối các chính sách này, thay vào đó lại lựa chọn một hiệp định tự do thương mại hào phóng với Anh.
EU lựa chọn mô hình cải cách nào khi đứng trước những nguy cơ gây chia rẽ. Ảnh: AFP
Lợi thế của tự do thương mại đặc biệt mạnh khi mà lực lượng lao động không thể dịch chuyển tự do giữa các nước. EU khăng khăng cho rằng tự do thương mại phải đi đôi với tự do lưu chuyển việc làm, nhưng điều này là phi lý xét trên góc độ kinh tế. Khi dòng luân chuyển lao động không thể dịch chuyển, những lợi ích thu lại từ hoạt động thương mại sẽ đặc biệt cao.
Nếu không mở cửa thị trường việc làm giữa các nước, mức lương khác biệt giữa các nước cũng như sự khác biệt giữa các nước sẽ lớn hơn và mức giá hàng hóa giữa các nước cũng khác nhau nhiều hơn. Đây chính là nguồn gốc căn bản mang lại những lợi ích thu được từ kinh doanh.
Hiện có hai mô hình cho khối: Mô hình đầu tiên sẽ dựa trên nguyên tắc các quyền thiểu số và tự nguyện hợp tác. Những quyết định đưa ra phải mang lại lợi ích ít nhất là cho một số thành thành viên trong khối và không được phương hại đến các nước khác. Mô hình này tạo ra sự ổn định bởi vì tất cả mọi người đều muốn mình là một phần trong mô hình này.
Mô hình thứ hai dựa trên những quyết định của đại đa số mà không cần chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi thiểu số. Tại mô hình này, những quyết định đưa ra sẽ mang lại lợi ích cho đại đa số, nhưng lại phương hại đến một nhóm thiểu số nào đó, cho dù có thể lợi ích mà đa số có được ít hơn là những tổn thất thiệt hại mà nhóm thiểu số phải gánh chịu. Mô hình này sẽ tạo ra thực tế những người thua cuộc sẽ muốn phải ra đi.
Để ngăn chặn những sự ra đi này, cần thiết phải có lệnh trừng phạt, nhưng lại lo sợ trừng phạt sẽ tạo ra những tranh cãi và bất ổn. Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, nước Anh sẽ vẫn tiếp tục là nước láng giềng của EU và lời khuyên được đưa ra cho EU là cần đối xử tốt với láng giềng.