(GD&TĐ) - Đầu tháng 7, HĐND TP Hà Nội thông qua mức trần học phí trường phổ thông chất lượng cao (CLC). Hiện tại Hà Nội đang triển khai thí điểm ở 18 trường công lập CLC. Từ năm học 2006-2007, tại TP.HCM cũng đã ra đời mô hình trường THPT CLC Lê Quý Đôn.
Ảnh minh họa/internet |
Trường có chất lượng giáo dục tốt, có uy tín luôn là yêu cầu chính đáng của phụ huynh và xã hội. Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai thí điểm mô hình trường công lập CLC, các địa phương trên đã gặp phải dư luận băn khoăn. Dư luận cho rằng đến nay khái niệm trường CLC mà các địa phương đưa ra chưa có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, đảm bảo rằng khi triển khai chất lượng giáo dục sẽ cao.
Mặt khác, việc chọn trường công lập để chuyển sang trường CLC sẽ đẩy một bộ phận học sinh, trong đó có cả học sinh giỏi, ra khỏi trường đang học do gia đình không có khả năng đóng góp. Điều này làm mất đi sự công bằng trong giáo dục công.
Mô hình trường CLC trong hệ thống công lập còn quá mới ở Việt Nam nên có lẽ cần tham khảo thêm ở các nước để có bước đi, cách làm phù hợp. Ở nhiều nước, những trường học có danh tiếng, có uy tín đối với phụ huynh hầu hết là trường tư thục. Đáng lưu ý, các trường không tự phong từ đầu là “trường CLC”. Chất lượng giáo dục của các trường này được xây dựng lên dần trong nhiều năm (có khi vài ba chục năm) và được phụ huynh biết đến, tín nhiệm.
Như vậy, muốn trở thành trường danh tiếng, ngoài nỗ lực của nhà trường còn được sự công nhận của phụ huynh. Tất nhiên học phí ở những nơi này khá cao. Còn hệ thống trường phổ thông công lập ở các nước thì được đầu tư đồng đều, chủ yếu từ ngân sách nhà nước và dành cho rộng rãi mọi đối tượng học sinh vào học, không phân biệt thành phần xã hội, giàu nghèo.
Giáo dục công lập được coi là phúc lợi xã hội, bởi vậy một nguyên tắc luôn được tôn trọng trong hệ thống giáo dục công lập là tính công bằng và không vụ lợi. Ở các nước phát triển có mức sống cao, trường công lập có thể uy tín không thua trường tư thục. Tuy vậy, phần lớn phụ huynh có điều kiện kinh tế thích cho con em học trường tư thục vì được chăm sóc tốt hơn.
Ở nước ta, nhiều năm qua Nhà nước đã thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đến nay, đã thấy xuất hiện nhiều trường phổ thông dân lập, tư thục ở Hà Nội, TP.HCM cũng như ở một số địa phương khác được phụ huynh tín nhiệm. Tất nhiên, các trường này cũng đã phải trải qua lộ trình xây dựng “thương hiệu” với nhiều công sức, nỗ lực.
Tuy nhiên, so với hệ thống trường công lập hình thành từ lâu, các trường ngoài công lập vẫn còn non trẻ và đang thời kỳ phát tiển. Bởi vậy, tâm lý của phần lớn phụ huynh là vẫn thích con em mình học trường công lập; từ đó dẫn đến sự ra đời mô hình trường công lập CLC nói trên. Thực tế, thời gian qua mô hình này mặc dù còn “đứng xa” với phần lớn phụ huynh và học sinh nhưng một khi chấp nhận vào học, học sinh được hưởng những điều kiện học tập khá tốt với cơ sở vật chất khang trang, lớp học rộng thoáng, sĩ số ít, trang thiết bị hiện đại cùng phương pháp giảng dạy tiên tiến. Song, việc ra đời trường công lập CLC hiện còn… vướng luật.
Điều này lý giải tại sao đã 7 năm thực hiện nhưng TP.HCM chưa thể phát triển rộng mô hình này. Hiện TP.HCM chỉ có thêm 2 trường THPT làm thí điểm, còn các bậc học khác án binh bất động. Hơn nữa, việc thu học phí của loại trường này là quá cao, trong khi Nghị định 49/2010 của Chính phủ quy định mức học phí và chi phí học tập khác trong trường phổ thông công lập không được vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình. Với mức học phí này, con em công nhân viên chức, người lao động khó có chỗ ngồi trong trường công lập CLC.
Nói tóm lại, để trường công lập CLC đáp ứng rộng rãi nhu cầu phụ huynh cũng như nhu cầu hiện đại hóa nhà trường, phù hợp pháp luật, cần cẩn trọng khi triển khai, nhân rộng.
Từ Nguyên Thạch