Tìm hiểu quy trình khảo sát cho kết quả hơn 80% người dân hài lòng với dịch vụ công

GD&TĐ - Tại Thanh Hóa, qua khảo sát mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính công cho thấy nhiều người dân không nắm vững các thủ tục, quy trình để làm các dịch vụ công và ít có ý kiến phản hồi, khiếu nại, kiến nghị đối với các dịch vụ.

Tìm hiểu quy trình khảo sát cho kết quả hơn 80% người dân hài lòng với dịch vụ công

Được biết, Thanh Hóa là một trong ba tỉnh tiến hành thí điểm chương trình khảo sát mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính công mà Bộ nội vụ phối hợp với Ngân hàng thế giới tiến hành khảo sát. 

Sau khi tiếp nhận dự án, Sở Nội vụ Thanh Hóa đã phối hợp với Khoa Khoa học xã hội (Trường Đại học Hồng Đức) để triển khai dự án tại 4 địa phương gồm: TP Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc, huyện Triệu Sơn và thị xã Sầm Sơn. Các điều tra viên là những giảng viên, sinh viên tại Khoa khoa học xã hội.

Kết quả khảo sát tại Thanh Hóa được công bố mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính công đạt hơn 80% đang khiến dư luận băn khoăn về kết quả khảo sát có thực sự khách quan.

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, bà Hoàng Thị Tâm - Trưởng bộ môn Xã hội học và Công tác xã hội, thuộc Khoa Khoa học xã hội (Trường Đại học Hồng Đức) - cho biết: Quy trình khảo sát được tiến hành chặt chẽ, khách quan với đối tượng khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên theo đúng quy trình. 

Trước tiên, các điều tra viên thực hiện khảo sát thử vào tháng 4/2014 nhằm để điều chỉnh bảng câu hỏi ở phiếu khảo sát cho phù hợp. 

Việc khảo sát thực địa được tổ chức vào hai đợt: Đợt 1 từ 7/5-18/5/2014; Đợt 2 từ 1/7-15/7/2014. Tổng số phiếu khảo sát tại Thanh Hóa là 1.222 phiếu. Khảo sát thủ tục hành chính ở các lĩnh vực Y tế, đất đai, giấy phép xây dựng, kinh doanh karaoke.

Theo kết quả khảo sát tại Thanh Hóa thì trong lĩnh vực Y tế, tại Bệnh viện Phụ Sản có 200 phiếu khảo sát thì có 70% phiếu khá hài lòng (KHL), 2% là rất hài lòng (RHL), 23% không hài lòng, 5% không có ý kiến. Về nội dung cấp phép kinh doanh, hành nghề y dược tư nhân (29 phiếu khảo sát) thì có 13,8% là RHL, 79,3% là KHL, 6,9% là không hài lòng.

Đối với lĩnh vực cấp phép xây dựng: Khảo sát trên 12 doanh nghiệp thì có 11 doanh nghiệp KHL, 1 doanh nghiệp không hài lòng. Khảo sát 99 hộ dân thì 11% RHL, 80,8% KHL, 4% không hài lòng, 4% không có ý kiến.

Đối với lĩnh vực đất đai 848 hộ dân: Khảo sát ở các hộ dân thì có 71% KHL, 11,7% RHL, 14,7% không hài lòng, 2,2% rất không hài lòng, 2,2% không có ý kiến. Khảo sát ở 6 doanh nghiệp thì có 3/6 doanh nghiệp không hài lòng, 1 doanh nghiệp RHL, 2 doanh nghiệp KHL.

Đối với lĩnh vực kinh doanh karaoke (28 phiếu khảo sát) có 78,6% KHL, 7,1% RHL, 10,7% không hài lòng, 3,6% không có ý kiến.

Theo kết quả phân tích bước đầu về số liệu khảo sát tại Thanh Hóa trong các lĩnh vực thì khảo sát cấp giấy phép xây dựng cho công dân (chủ yếu cấp phép xây dựng nhà ở đô thị) có tỷ lệ khá hài lòng cao nhất (hơn 80%).

Cũng theo bà Hoàng Thị Tâm, sau khi xử lý số liệu khảo sát sơ bộ, cho thấy: Nhiều người dân không nắm vững các thủ tục, quy trình để làm các dịch vụ hành chính công. Do đó người dân mất nhiều thời gian để tiến hành thủ tục (trong lĩnh vực đất đai có 31% tỷ lệ người dân phải hoàn chỉnh hồ sơ hai lần). 

Có khoảng 50% ý kiến của người dân đề nghị giảm bớt các thủ tục. Đặc biệt, người dân ít có ý kiến phản hồi, khiếu nại, kiến nghị đối với các dịch vụ (chỉ có 57/1.222 phiếu có đề xuất, kiến nghị đối với dịch vụ).

Mặt khác, theo một số người dân được khảo sát thì việc tiến hành khảo sát nên tuyên truyền rộng rãi hơn để người dân có thể nắm bắt được trước nội dung cũng như mục đích, ý nghĩa của cuộc khảo sát. 

Từ đó, người dân sẽ có ý thức trách nhiệm và tinh thần góp ý thẳng thắn hơn đối với dịch vụ hành chính công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ