Từ một trung tâm đại học dân lập Thăng Long nhỏ bé được thành lập dưới hình thức thí điểm vào năm 1988, đến nay tại Việt Nam đã có một hệ thống gồm 84 trường (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước, ước tính đã gánh đỡ cho ngân sách nhà nước khoản từ 50 đến 60 nghìn tỉ đồng.
Những chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước đã mở lối cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập lần lượt ra đời. Trong hơn 20 năm, hệ thống trường này không chỉ có những đóng góp đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn tạo ra mô hình trường mới mẻ, hiện đại, quản trị năng động hiệu quả, có uy tín về chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT tham dự hội thảo |
Nghị quyết Trung ương 29 cũng khẳng định: “Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư…”.
Tuy nhiên, cho tới nay hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã và đang phải chật vật trước những khó khăn, vướng mắc, bởi hành lang pháp lý chưa đồng bộ, do vậy đã cản trở sự phát triển đi lên của nhiều trường ngoài công lập, dẫn đến nhiều điều bất cập trong quản lý, quy mô sinh viên giảm sút, nghĩa vụ đóng thuế chưa bình đẳng.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - cho rằng: Cần thừa nhận đóng góp của hệ thống các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập trong 23 năm vừa qua là rất to lớn. Vì vậy chúng ta cần duy trì và phát triển hệ thống này.
Hội thảo mong muốn trên cơ sở tập hợp những tư liệu mới nhất về thực trạng hoạt động các trường đại học cao đẳng ngoài công lập cùng các ý kiến và tham luận của những người tham gia hội thảo, chúng ta một lần nữa khẳng định chủ trương thành lập các trường đại học cao đẳng ngoài công lập, duy trì và phát triển hệ thống này là đúng đắn, cần thiết.
Thông qua hội thảo sẽ chỉ ra được những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân đích thực, nguyên nhân chủ quan và khách quan, cơ hội và thách thức, đồng thời kiến nghị một số giải pháp nhằm củng cố, duy trì và phát triển hệ thống này trong tương quan với hệ thống các trường đại học công lập và trong điều kiện ngày càng dân chủ, công bằng, trao quyền tự chủ đầy đủ cho tất cả các trường đại học, cao đẳng cùng cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Các đại biểu tham gia hội thảo phân tích một cách khoa học, vừa nhìn xa trông rộng ra thế giới, vừa bám sát thực tiễn của đất nước, của địa phương, của từng trường để tìm ra nguyên nhân cản trở các trường hoạt động, để tìm ra cơ chế và nguồn lực để vượt khó và đi lên.