Tìm giải pháp nâng chất đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Ngày 10/5, tại ĐH Sư phạm TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; Cục trưởng Cục nhà giáo Vũ Minh Đức; Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài… Hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh thành, các trường đại học có đào tạo giáo viên cùng tham dự.

Nhu cầu giáo viên giai đoạn tới vẫn rất lớn

Chia sẻ về công tác bồi dưỡng giáo viên, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo cho biết: Với sự hỗ trợ của Chương trình ETEP, đội ngũ giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục cốt cán của các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun cốt lõi, được trang bị các kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Qua đó, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh.

Tới thời điểm này có tổng số 641.240 giáo viên (trong đó cấp tiểu học có 322.082 giáo viên, THCS có 216.204 giáo viên, THPT có 102.954 giáo viên) và 48.422 CBQLCSGD (trong đó cấp tiểu học có 25.562 người, THCS có 16.784 người, THPT có 6.076 người) hoàn thành các khóa bồi dưỡng.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là sau khi Chương trình ETEP kết thúc, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần phối hợp với các địa phương như thế nào để tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ.

Ngoài việc tiếp tục công tác bồi dưỡng cho giáo viên, ông Nguyễn Minh Đức cũng cho biết nhu cầu đào tạo, tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới của cả nước là rất lớn.

Chỉ tính riêng các trường công lập, từ nay đến năm 2026 cần thêm khoảng 106.547 giáo viên phổ thông (64.547 giáo viên bù đắp phần còn thiếu, 30.000 giáo viên bù cho số giáo viên nghỉ việc và 12.000 giáo viên nghỉ hưu). Đó là chưa kể đến tình trạng tăng dân số tự nhiên và tăng số lớp tiểu học dạy 2 buổi/ngày). Do đó, vấn đề đào tạo giáo viên trong thời gian tới cần được tính toán để đáp ứng đủ nguồn tuyển”- Cục trưởng Cục nhà giáo nêu.

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết: Tỉnh Hà Giang có đặc thù 89% người dân tộc, 40% là hộ nghèo, toàn tỉnh chỉ có 256.000 học sinh, nhưng mạng lưới trường lớp còn tản mạn với 1.909 điểm trường, 300 lớp ghép 2 trình độ. Tỉnh Hà Giang đang thiếu 3.393 giáo viên theo định mức, dự tính của tỉnh đến năm 2030, số giáo viên nghỉ hưu và thôi việc hơn 4.000 người (số này chắc chắn phải đào tạo bổ sung), rõ ràng nhu cầu của tỉnh là rất lớn.

"Tỉnh Hà Giang rất khó tuyển dụng giáo viên theo dạng hợp đồng so với các tỉnh khác hay các thành phố lớn. Do đó, kiến nghị Bộ GD&ĐT cần tạo và giao biên chế cho các tỉnh có tính đặc thù như Hà Giang cao hơn" ông Bình nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang cũng đề nghị điều chỉnh chuẩn ngưỡng đầu vào cho việc tuyển mới giáo viên những môn đặc thù; nghiên cứu và sử dụng lại chính sách cử tuyển cho các địa bàn khó khăn như Hà Giang nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên cho các môn mới.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ tại hội nghị.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ tại hội nghị.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế nêu thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Ông Tân dẫn chứng sau 3 năm tỉnh Thừa Thiên Huế mới tuyển dụng lại giáo viên (73 biên chế) khi có nhu cầu về các môn mới, còn trước đó tỉnh dư biên chế nên không được tuyển.

Ngoài việc tháo gỡ công tác rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các địa phương cho từng giai đoạn, nhiều đại biểu cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần sớm tháo gỡ cho địa phương trong việc thực hiện Nghị định 116 khi hiện nay còn vướng quá nhiều ở khâu giám sát, thanh toán và truy thu nếu người học không thực hiện cam kết. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu bổ sung hay hỗ trợ kinh phí đi bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên.

“Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện cũng vướng về cơ chế chi. Nghị định 101 nêu rõ việc học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ nguồn chi từ người học, nguồn khác nhưng thu nhập giáo viên hiện đang khá thấp mà phải bỏ tiền ra để đi tập huấn thì rất khó khăn, nên Bộ cần hỗ trợ và có hướng giải pháp nào để giúp đỡ đội ngũ.”- đại diện Sở GD&ĐT Gia Lai nêu.

Làm mới người cũ để làm việc mới

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thống kê trong 4 năm qua, các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc điểm thi tốt nghiệp trung bình thấp nhất cả nước, tỉ lệ học sinh giỏi cũng thấp nhất cả nước. Điều đó cho thấy mặt bằng chung của chúng ta rất khác nhau, nên công tác tập huấn cho giáo viên ở các vùng miền cũng cần phải khác nhau.

Cô và trò Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM trong giờ học.

Cô và trò Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM trong giờ học.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng việc các địa phương cần làm bây giờ là làm mới người cũ để làm việc mới. Các địa phương cần phải xem đây là điểm nhấn để thực hiện tốt và hiệu quả chương trình GDT 2018. Còn việc đào tạo sao cho phù hợp, đáp ứng tốt chương trình mới thì các trường sư phạm đã có khung chương trình đầy đủ.

Theo ông Tài, cả hai công tác đều rất quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì công tác bồi dưỡng, công tác bồi dưỡng nhắc lại cho thầy cô có vai trò rất lớn trong việc giúp cho giáo viên thạo việc. Cụ thể, với modul nào đã bồi dưỡng khi bồi dưỡng nhắc lại cần cập nhật những điểm mới có tính thực tiễn, qua đó giúp giáo viên cập nhật được kiến thức, kỹ năng và các phương pháp mới.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của người giáo viên trong tiến trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là trong việc triển khai, thực hiện chương trình GDPT 2018.

Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá lại mọi mặt của quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 vào thực tiễn, soi chiếu và đánh giá những mặt tích cực và cả những tồn tại hạn chế để có giải pháp và hướng tháo gỡ nhằm thực hiện tốt, hiệu quả chương trình GDPT 2018 trong giai đoạn tới.

Nói về công tác nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đào tạo hay bồi dưỡng đều quan trọng như nhau, đều hướng tới việc cập nhật chuẩn kiến thức mới, phù hợp với chương trình mới. Đội ngũ chúng ta khi thực hiện chương trình GDPT 2018 tới 90% là đội ngũ cũ nên công tác bồi dưỡng có giá trị rất quan trọng.

“Công tác đào tạo là cho lâu dài, bồi dưỡng cũng vậy - là hoạt động thường xuyên, hoạt động đặc thù không thể tách rời để nâng cao và củng cố kiến thức mới, phù hợp bối cảnh mới" - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Vì vậy, các địa phương cần phải xác định đúng đắn để tổ chức công tác bồi dưỡng cho giáo viên phải phù hợp, thích ứng và đáp ứng được mong mỏi và nhu cầu thực tế của giáo viên, chứ không phải ép giáo viên đi học tập, bồi dưỡng cho đủ thời lượng theo quy định, cách làm ấy sẽ không hiệu quả. Tất nhiên nhận thức của cán bộ quản lý và cả giáo viên về vấn đề này là quan trọng nhất.

Để có chương trình hành động sau hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu những đề xuất kiến nghị tại hội nghị, nhằm có cái nhìn tổng thể, từ đó có các giải pháp tháo gỡ.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

“Nội dung nào cần tháo gỡ bổ sung thay đổi, nội dung nào cần xây mới… đề nghị các Cục, Vụ cần phân tách theo từng nhóm vấn đề cụ thể để chúng ta có giải pháp thiết thực, phù hợp. Đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay tại các trường đại học, địa phương cần được các Cục, Vụ triển khai sớm để chúng ta có cái nhìn trực diện các vấn đề.

Chỗ nào chưa tốt thì thúc đẩy, nhắc nhở, chỗ nào tốt thì phát huy. Việc phân tách rõ trách nhiệm qua công tác kiểm tra, thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ sẽ giúp việc thực hiện chương trình GDPT 2018 đồng bộ hơn”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ