Tìm giải pháp nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên Y Dược

GD&TĐ - Hơn 600 đại biểu thảo luận vấn đề lượng giá trong giáo dục y học, tìm giải pháp nâng cao chất lượng đầu ra của học viên các trường ngành Y.

Hơn 600 đại biểu tham dự hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ 7. Ảnh: Mạnh Tùng
Hơn 600 đại biểu tham dự hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ 7. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngày 11/11, tại TPHCM, Hội Giáo dục Y học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Y Dược TPHCM tổ chức hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ 7, chủ đề “Lượng giá trong giáo dục y học dựa trên năng lực: Thách thức và giải pháp”.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và hơn 600 đại biểu từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các sở Y tế, bệnh viện trên cả nước, các tổ chức quốc tế.

GS.TS Lê Quang Cường, Chủ tịch Hội Giáo dục Y học Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

GS.TS Lê Quang Cường, Chủ tịch Hội Giáo dục Y học Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

GS.TS Lê Quang Cường, Chủ tịch Hội Giáo dục Y học Việt Nam cho rằng, chủ đề hội nghị lần này phản ánh nội dung quan trọng, đang được quan tâm là lượng giá trong giáo dục y học: Làm sao đảm bảo xác nhận được một học viên khi ra trường đạt được những năng lực cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp, có khả năng độc lập xử lý tình huống cơ bản, thường gặp và có những kỹ năng học tập suốt đời.

Theo ông Lê Quang Cường, trong bối cảnh kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề do Luật Khám chữa bệnh quy định sẽ triển khai từ năm 2027, hội nghị này càng có giá trị.

"Những báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm, các phiên trao đổi giữa các đơn vị đào tạo nhân lực y tế với các đơn vị tiếp nhận và sử dụng nhân lực sẽ giúp hiểu được thực chất năng lực của đội ngũ y tế hiện nay", GS.TS Lê Quang Cường nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, hội nghị này thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong việc đào tạo khối ngành Y khoa.

Sự đổi mới này có sự hỗ trợ tích cực từ tổ chức USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - PV) và sự đồng hành của Bộ Y tế.

Các trường đại học đã có những sáng kiến, triển khai theo mô hình của các nước tiên tiến trong việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá năng lực.

Những thay đổi này này thể hiện tinh thần tự chủ đại học. Bởi tự chủ đại học không chỉ là sự tự chủ về quản lý, quản trị nhà trường; đó còn là nâng cao vai trò của chính các cơ sở giáo dục, sự tham gia của các thầy cô giáo trong việc xây dựng chuẩn mực, phương pháp đào tạo, đánh giá và nâng cao năng lực của sinh viên tốt nghiệp.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các ý kiến thảo luận tại hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ 7 sẽ giúp Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế hoàn thiện, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Trên cơ sở này, các trường sẽ triển khai nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo để đáp ứng quy hoạch tổng thể quốc gia với yêu cầu 19 bác sĩ/1 vạn dân vào năm 2030.

Một báo cáo tại hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ 7. Ảnh: Mạnh Tùng

Một báo cáo tại hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ 7. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại phiên toàn thể của hội nghị, các đại biểu nghe 2 báo cáo: Lượng giá giáo dục y học dựa trên năng lực sử dụng công cụ EPA - Thách thức và giải pháp (GS Olle Ten Cate, Đại học Y khoa Utrecht); Tầm nhìn chung để phát triển lượng giá trong giáo dục y học tại Việt Nam song hành với thế giới trong vòng 5 năm tới (GS.TS Trần Diệp Tuấn, Trường Đại học Y Dược TPHCM).

Tiếp đó, các đại biểu tham dự tọa đàm "Sử dụng lượng giá để đảm bảo năng lực trong giáo dục y học".

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ tham dự 4 phiên thảo song song về lượng giá trong giáo dục y khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ