(GD&TĐ) – Hôm nay (3/11), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội thảo Quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế; Ông Dương Quốc Trọng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế đã cùng tham dự Hội thảo.
Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội thảo (Ảnh: gdtd.vn) |
Đại diện các tổ chức quốc tế có Bà Mandeep K. O’Brien - Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam; Ông Guilmoto và bà Kiran Bhatia - Cố vấn kỹ thuật Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Ông Christophe Guilmoto - Chuyên gia quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh của UNFPA.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các vụ ban ngành, đoàn thể trung ương; các Phó Chủ tịch UBND 20 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; Đại diện Lãnh đạo Sở Y tế; Đại diện Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGD 63 tỉnh/thành.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, “Suốt 2 thập kỷ từ 1979 - 1999, tỷ số GTKS ở Việt Nam chỉ tăng trung bình 0,1 điểm phần trăm/năm (tỷ số GTKS từ 105 năm 1979 lên 107 năm 1999), nhưng từ năm 2006 đến nay, tỷ số này luôn trong xu hướng tăng và tăng mạnh; có năm tăng tới 1 điểm phần trăm – tức là gấp 10 lần so với trước đây và hiện đã cao tới mức nghiêm trọng: 112,3 vào ¼ năm 2012. Có tới 18 tỉnh/thành phố có tỷ số giới tính khi sinh 115 trở lên.
Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng: “Nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh thì tỷ số GTKS của nước ta có thể tiếp tục tăng lên khoảng 125 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050. Như vậy, vào năm 2050 mức này tương ứng với việc dư thừa khoảng 12% nam giới tuổi dưới 50”.
Thứ trưởng dẫn ra nhiều hệ quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh như: toàn bộ cơ cấu dân số theo tuổi sẽ bị thay đổi; tình trạng thừa nam, thiếu nữ khi những đứa trẻ được sinh ra bởi lựa chọn giới tính khi bước vào tuổi kết hôn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và là tai họa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: gdtd.vn) |
Một bằng chứng cụ thể ở châu Á và Việt Nam cho thấy rằng mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính trước khi sinh do những chuẩn mực văn hóa có từ lâu đời về việc ưa thích con trai và đánh giá thấp giá trị trẻ em gái. Những truyền thống gốc rễ này đã tạo ra những áp lực to lớn về việc phải sinh được con trai đối với phụ nữ, và cuối cùng ảnh hưởng tới địa vị kinh tế xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của họ cũng như đến sức khỏe và sự sinh tồn của họ.
Trước thực trạng đó, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp để giải quyết vấn đề này, bà khẳng định. “Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã được đề cập trong Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Sẽ vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để thực hiện hiệu quả các chính sách và chiến lược nhằm giải quyết vấn đề này và bây giờ là lúc cần phải hành động”.
Bà đưa ra 3 giải pháp thực hiện giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. “Trước hết, chúng ta cần phải thực hiện truyền thông thay đổi hành vi toàn diện để giải quyết sự phân biệt đối xử về giới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, xã hội dân sự, cán bộ y tế, lãnh đạo cộng đồng và các nhóm đối tượng khác.
Thứ hai, cần tập trung thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị của họ và nhận thức về quyền của họ.
Thứ ba, điều quan trọng là phải củng cố hệ thống thu thập dữ liệu để đảm bảo độ chính xác trong việc thu thập và báo cáo tỷ số giới tính khi sinh từ cấp làng xã tới cấp trung ương.
MCBGTKS ở Việt Nam diễn ra khá muộn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng lại xảy ra với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng, thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và dư luận xã hội. Việt Nam được chia ra 6 vùng kinh tế - xã hội thì năm 2009 chỉ còn duy nhất vùng các tỉnh Tây Nguyên có TSGTKS ở mức bình thường (105), còn 5/6 vùng còn lại đều đã có tình trạng MCBGTKS. Theo Kết quả Tổng điều tra dân số 1/4/2009, có tới 45/63 tỉnh, thành phố có TSGTKS mất cân bằng, tập trung ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó những tỉnh, thành phố có TSGTKS cao nhất (từ 120 - 130) đều thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. |
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình trạng mất cân bằng GTKS ở nước ta đang trở thành vấn đề nóng và hội thảo hôm nay là rất quan trọng và cần thiết.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý với các nguyên nhân nêu lên trong hội thảo và khẳng định việc giảm thiểu mất cân bằng GTKS là một quá trình phải được thực thi bằng nhiều biện pháp đồng bộ.
Sau khi nghe các báo cáo về thực trạng của vấn đề MCBGTKS và các tham luận của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh có tỉ số GTKS cao, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sự gia tăng của GTKS trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại.
Động cơ phải có con trai đã tồn tại trong tâm lý của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng hàng nghìn năm nay. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và cơ hội tiếp cận nó ngày càng dễ dàng và thuận lợi của người dân; việc thực thi luật pháp trong việc lựa chọn giới tính thai nhi chưa nghiêm,… đã khiến TSGTKS ngày càng tăng.
Phó Thủ tướng cho rằng, để giảm được tình trạng MCBGTKS sẽ không thể giảm được nhanh trong thời gian tới nhưng chúng ta vẫn phải làm. Bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông vận động cần được đẩy mạnh; từng bước vận động người dân giảm tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; giáo dục con cái có trách nhiệm với cha mẹ không phân biệt con trai, con gái.
Về quan niệm, nhu cầu phải có con trai để dưỡng già, Phó Thủ tướng chia sẻ ngay trong gia đình mình để nói lên: “Bố mẹ già không nhất thiết phải ở với con trai, không có con trai thì ở với con đẻ, là con gái cũng đâu có sao. Như vậy là cần thiết phải thay đổi mô hình gia đình".
Phó Thủ tướng gợi ý, vấn đề kế thừa tài sản sau khi cưới cũng nên có thành chuyên đề. Đây là vấn đề về văn hóa, nhưng rõ ràng cần thiết phải có sự phân biệt để phụ nữ có quyền hơn trong các vấn đề về gia đình, trong đó có việc sở hữu tài sản.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng một trong số các giải pháp cần đưa ra là tăng cường lực lượng cộng tác viên cơ sở, ngoài việc tăng quy mô, cần thiết phải duy trì và tập trung vào chất lượng. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần bàn với ngành Giáo dục để đưa vấn đề giới tính vào các chương trình chính thức để ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, các em sẽ có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới. Làm thế nào để các em có những nhận thức đúng là việc cốt lõi.
Đặc biệt, cần thiết phải có sự tham gia của các đoàn thể, đặc biệt đoàn thanh niên. Phải có nhận thức đúng để tự tạo hạnh phúc cho mình. Về thay đổi tập quán, Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự kết hợp giữa các địa phương, học hỏi những mô hình thành công.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đoàn thể để có kế hoạch và giải pháp cho vấn đề giảm thiểu MCBGTKS trong năm 2013 và những năm tới.
Trong vòng một ngày, Hội thảo đã đặt ra các vấn đề nóng về thực trạng MCBGTKS. Đồng thời có các tham luận chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp cụ thể cho vấn đề này của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, đặc biệt là của các đại diện các tỉnh, thành phố có tỉ số MCBGTKS cao nhất trong cả nước.
Hi vọng, Hội thảo sẽ là mốc quan trọng đánh dấu lộ trình phát triển mới cho công tác dân số nói chung và vấn đề MCBGTKS nói riêng ở Việt Nam trong thời gian tới.
Lộc Hà