Giấc mơ sáng suốt là một hiện tượng hiếm gặp và hiếm khi có thể gợi lại theo ý muốn, do đó rất khó cho các nhà nghiên cứu lưu giữ trong phòng thí nghiệm một cách đáng tin cậy.
Tác giả Ken Paller của ĐH Northwestern (Mỹ) được dẫn lời khi nói rằng nghiên cứu “cho thấy những người nằm mơ có khả năng hiểu các câu hỏi, tham gia vào các hoạt động của trí nhớ và đưa ra câu trả lời”.
Người ta cũng phát hiện ra người nằm mơ có thể theo hướng dẫn, làm các phép toán đơn giản, đếm số lần xúc chạm, số tia sáng hay trả lời các câu hỏi đơn giản và phân biệt được các tiếp nhận giác quan khác nhau.
“Hầu hết, mọi người dự đoán rằng điều này sẽ không thể xảy ra và người nằm mơ sẽ thức giấc khi bị hỏi hoặc không thể trả lời và chắc chắn không thể hiểu một câu hỏi nếu không hiểu sai”, ông Ken Paller nói thêm.
Điều đó diễn ra như thế nào?
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện quy trình giao tiếp 2 chiều qua một bài kiểm tra tham số được sử dụng trong nghiên cứu về giấc ngủ. Qua đó họ đã xác định giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) ở 36 cá nhân tại 4 phòng thí nghiệm khác nhau ở Pháp, Đức, Hà Lan và Mỹ.
Giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) của giấc ngủ là thời điểm giấc mơ diễn ra nhiều nhất. Chuyển động mắt nhanh khi ngủ là một trong 5 giai đoạn não hoạt động trong khi ngủ. Theo một báo cáo, con người bước vào REM trong vòng 90 phút đầu tiên sau khi chìm vào giấc ngủ.
Giấc mơ sáng suốt chủ yếu xảy ra trong giấc ngủ REM và có thể đi kèm với các tín hiệu chuyển động mắt. Nó cho thấy người nằm mơ nhận thức rằng họ đang mơ hoặc truyền thông tin khác.
Các nhà nghiên cứu sử dụng vài phương pháp để giao tiếp trong và ngoài giấc mơ. Trong từng trường hợp của 36 người, giấc mơ REM được xác định bằng phương pháp tiêu chuẩn và người ta kích thích giác quan để truyền tải câu hỏi cho người nằm mơ.
Trước khi nghiên cứu, những người tham gia thường thực hành nhận các câu hỏi và đưa ra câu trả lời dưới dạng tín hiệu sinh lý dựa trên chuyển động của khuôn mặt hoặc mắt – theo Science Direct. Tuy nhiên, họ không biết những câu hỏi cụ thể nào được đưa ra trong khi họ ngủ, “do đó việc giao tiếp diễn ra trong giấc ngủ” luôn là điều mới lạ.
Nghiên cứu tiết lộ điều gì?
“Inception”, diễn viên Leonardo DiCaprio bước vào giấc mơ của người khác để tương tác và đánh cắp bí mật trong tiềm thức của người khác. Ý tưởng này dường như đã gần với thực tế hơn khi các nhà khoa học tìm được ra cách để thực hiện.
Sau cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng “những người trong giấc ngủ REM có thể tương tác và tham gia giao tiếp theo thời gian thực” – tác giả Ken Paller nói trong một tuyên bố - “Trong giai đoạn này, mắt di chuyển nhanh chóng theo nhiều hướng khác nhau. 4 giai đoạn còn lại không phải là giấc ngủ REM (NREM)”.
Báo cáo của ScienceDirect cho biết: “Những người nằm mơ sáng suốt có thể làm theo các hướng dẫn để thực hiện các phép toán, trả lời các câu hỏi đơn giản hoặc phân biệt sự kích thích đối với thị giác, xúc giác và thính giác”.
Theo một báo cáo trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã hỏi những người nằm mơ sáng suốt 158 câu hỏi và 18,6% thời gian họ trả lời đúng. Trong khi 3,2% câu hỏi bị trả lời sai, câu trả lời không rõ ràng chiếm 17,7% và 60,8% câu hỏi không có phản hồi.
“Sau một số câu hỏi, những người nằm mơ được đánh thức và yêu cầu kể lại giấc mơ. Một số người nhớ lại những câu hỏi trong giấc mơ. Một người kể lại rằng các bài toán phát ra từ chiếc radio trong xe hơi. Một người mơ khác cho biết đang ở trong một bữa tiệc thì nghe thấy nhà nghiên cứu cắt ngang giấc mơ giống như một người kể chuyện trong phim và hỏi anh ta có biết nói tiếng Tây Ban Nha không” – theo báo cáo.
Nói về kinh nghiệm của một số người tham gia nghiên cứu, báo cáo trên Science Direct cho biết, “trong giấc ngủ REM, những cá nhân này thể hiện nhiều khả năng khác nhau như thực hiện phân tích tri giác rõ ràng về thông tin mới, duy trì thông tin trong bộ nhớ, đưa ra các câu trả lời đơn giản và thể hiện câu trả lời theo ý của mình”.
Nghiên cứu cho biết, những người nằm mơ trả lời trong thời gian thực bằng cách chuyển động mắt hoặc thể hiện tín hiệu qua cơ mặt. “Phản ứng của họ bao gồm chuyển động đặc biệt của mắt và các cơn co cơ mặt có chọn lọc, giúp trả lời đúng các câu hỏi 29 lần đối với 6 cá nhân tham gia thử nghiệm” - theo báo cáo.
Nghiên cứu có thể hữu ích về nhiều mặt như giúp nghiên cứu những giấc mơ, trí nhớ trong tương lai và đặc biệt giúp hỗ trợ điều trị chứng rối loạn giấc ngủ…