Tiểu học… yêu, cha mẹ mếu

Không ít bậc phụ huynh trẻ ngày nay phải đối diện với một thực tế là ngày ngày tâm sự chuyện tình yêu với đứa con mới học tiểu học để từng bước định hướng và gỡ rối tơ lòng.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Một bức thư tình để trong ngăn bàn của cô bé lớp 2 đã bị lộ, cô giáo hốt hoảng khi phát hiện học trò của mình viết thư… tỏ tình với cậu bạn trai cùng lớp. 

Nội dung bức thư là: “Em luôn nghĩ về anh. Em yêu anh nhưng anh không quan tâm đến em nên em rất đau khổ. Em quyết định không yêu anh nữa, em sẽ yêu con bác bảo vệ…”.

Mới đây, một trang tin điện tử đã đăng tải bài viết về một cô bé 12 tuổi đã tự viết giấy hứa hôn rất chỉn chu, lời lẽ và các điều khoản đều cực kỳ rõ ràng: 

“1: Không chia tay; 2: Không được ngoại tình; 3: Không được quan hệ tình cảm với người nam/nữ nào khác; 4: Không được nặng lời với người vợ/chồng; 5: Luôn yêu và quý trọng tình cảm của nhau” 

Kết thúc là cả hai bé cùng cam kết: “Nếu phạm một trong những điều sau đây phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường 1 tỉ đồng”

Hoang mang về những lá thư tình gây sốc của con trẻ, một phụ huynh đã chia sẻ: “Con trai tôi cũng học lớp 4, giữa học kỳ 1 cũng đã hỏi tôi chuyện về tình yêu. 

Một hôm hai mẹ con đang xem phim con trai tôi hỏi rằng: Mẹ ơi! Ngày xưa mẹ yêu bố mẹ có hỏi và xin ý kiến bà ngoại không? Tôi ngạc nhiên nhưng vẫn bình tình hỏi lại con. “Sao con lại hỏi vậy? Chắc con thích bạn gái nào có phải không?” 

Nó sợ tôi nên chối, hai ngày sau tôi suy nghĩ và nói với con: Ngày xưa mẹ yêu bố mẹ phải xin phép và hỏi ý kiến của ông bà ngoại đấy. Nó nói, “Sao mẹ hỏi”. Tôi đáp: Thì để người lớn có kinh nghiệm sẽ chỉ cho mẹ. 

Tôi hỏi vặn một hồi thì nó nói trong lớp con có một bạn thích một bạn gái khác lớp, cùng khối 4. Bạn gái ấy học cũng giỏi, cũng đẹp gái, nhà cũng có xe hơi...”.

Bình tĩnh khi hệ lụy “gõ cửa”

TS Nguyễn Thị Kim Quý (Trung tâm Hỗ trợ tâm lý trẻ em) cho biết: Hiện có tới 1/3 số cuộc gọi tới đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em là của trẻ vị thành niên hỏi về vấn đề tình dục, tình yêu. Một cô bé gọi đến đường dây tư vấn thắc mắc chuyện chậm kinh đã 2 tháng.

“Cháu bị từ năm học lớp 5 và thường có đều đặn hàng tháng. Nhưng hai tháng nay, cháu không thấy ra nữa, cháu bị sao hả cô?”. Gặng hỏi, cô bé mới ấp úng: “Buổi trưa, bạn ấy (một bạn trai bằng tuổi, học cùng khối) rủ cháu ngủ tại nhà bạn ấy vì cũng gần trường. Chúng cháu làm như vậy mấy tháng rồi có sao đâu hả cô?”.

Và những câu hỏi ấy luôn được bà khuyên là phải nói thật với mẹ, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được ổn thỏa bởi nhiều bé quá sợ hãi, không dám bộc bạch với mẹ. Không ít trường hợp bà không thể liên lạc được với gia đình và để lại trong bà những day dứt khôn nguôi…

Theo Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình & Môi trường Phát triển, năm 2008, Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. 

Thống kê của Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam cho thấy, trẻ vị thành niên chiếm 20 phần trăm số ca nạo phá thai trong cả nước, 5 % sản phụ sinh con dưới 18 tuổi.

Trước đây, các ca nạo phá thai của trẻ vị thành niên chủ yếu ở độ tuổi 16 - 18. Nay con số này xuống đến 13-14, thậm chí 11-12 tuổi. Thế nên, TS Kim Quý đã khuyên, hơn bao giờ hết, phụ huynh phải luôn bình tĩnh làm bạn với con mình trước khi quá muộn.

Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), những bức thư và tình cảm của trẻ em trước khi dậy thì chỉ là những hành động cảm tính khi gửi cho một người nào đó. Đó chưa thể là tình cảm, cũng chưa hẳn là rung động giới tính.

Cha mẹ cần cảm thông, đừng làm quá. Tốt nhất các bậc cha mẹ nên tận dụng cơ hội ấy để khuyến khích trẻ hoàn thiện mình. Tuyệt đối không được áp dụng mọi sự cấm đoán hay mắng chửi chỉ làm cho trẻ căng thẳng, sống khép mình và không có tác dụng giáo dục nữa.

Theo PLVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ