Thông tư này quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Trao đổi về Thông tư số 34, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Thông tư này thay thế các Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư số 34 đã cập nhật các quy định mới tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy định hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thống nhất với quy định mới về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (cách xác định người trúng tuyển trong chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao…).
Đồng thời, bảo đảm thống nhất với các quy định mới về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Thông tư số 34 không làm phát sinh thêm các quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên và bảo đảm vẫn phù hợp nếu các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được sửa đổi, bổ sung.
Đối với hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – thông tin: Thông tư khắc phục một số hạn chế còn tồn tại trong thực tiễn tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giảm tối đa các quy định không cần thiết để tạo thuận lợi cho giáo viên.
Cụ thể: Bỏ quy định chấm điểm đối với nhóm tiêu chí dự báo khả năng thực hiện nhiệm vụ của hạng đăng ký dự xét (nhóm tiêu chí trước đây được quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT); không yêu cầu biên bản ghi nhận xét, đánh giá của đại diện ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường dự báo về khả năng thực hiện được các nhiệm vụ của hạng đăng ký dự xét trong hồ sơ dự xét thăng hạng.
Ngoài ra, Thông tư số 34 bỏ quy định về điểm tăng thêm theo quy định tại Thông tư số Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT. Bổ sung quy định về việc xác định người trúng tuyển trong trường hợp số lượng giáo viên đạt yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp tham dự kỳ xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I sẽ lấy điểm kiểm tra, sát hạch theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao.
Trường hợp tham dự kỳ xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II, lấy điểm chấm minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên hạng III đã thực hiện trong 6 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao.