Mục đích tiêu chí nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam. Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Đồng thời tiêu chí cũng nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.
Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên gia đình, những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.
Theo đó, tiêu chí bao gồm 5 nội dung chính: Ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
Bên cạnh đó, tiêu chí cũng đưa ra một số khẩu hiệu trong gia đình như: Ứng xử trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; Vợ, chồng chung thủy, nghĩa tình; Cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu thương con cháu; Con cháu hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ, ông bà; Anh, chị, em trong gia đình hòa thuận, chia sẻ; Hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh…
Tiêu chí – ai cũng hiểu đó là chuẩn mực được đặt ra. Tuy nhiên, việc người khác có tuân thủ tiêu chí hay không lại là một chuyện khác và vô cùng phức tạp.
Giả sử trong thực tế, các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau, vợ chồng không chung thuỷ, con cháu không hiếu thảo lễ phép… thì cơ quan đề ra tiêu chí là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có hành động gì?.
Chắc chắn, cơ quan đề ra tiêu chí không thể vào cuộc xử lý, càng không thể dàn xếp để vợ chồng chung thuỷ với nhau, hay bắt buộc con cháu phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ…
Ứng xử trong gia đình không chỉ là phạm trù của văn hóa, mà còn mang tính giáo dục kế thừa. Tất nhiên không thể phủ nhận tác động tiêu cực của môi trường xã hội, bào mòn và làm lệch lạc cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
Gia đình là nền tảng xã hội, giáo dục trong gia đình phải được coi trọng như giáo dục học đường. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay chịu tác động quá lớn từ mạng xã hội. Giang hồ mạng được yêu thích như anh hùng, các chương trình nhảm nhí được theo dõi ủng hộ hơn sự đứng đắn.
Thế nên sẽ khó vô cùng để tiêu chí ứng xử trong gia đình đi vào cuộc sống. Ban hành bộ tiêu chí không phải chỉ để cho có, mà phải có phương sách để “vợ chồng thuỷ chung với nhau, con cái biết hiếu thảo với cha mẹ”.