Ngày 30/7/2014, phóng viên đã tìm về nhà cụ Cao Viễn (106 tuổi) và cụ Vũ Thị Hai (100 tuổi) ở xóm 2, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận đến thời điểm hiện tại.
Đằng sau kỷ lục không dễ gì đạt được này là cả một câu chuyện dài về cuộc sống khổ cực thời trẻ của hai vợ chồng cụ.
Đến với nhau từ hủ tục ép duyên
Năm 17 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Cao Viễn lên đường nhập ngũ, cầm súng chống giặc ngoại xâm. Trong một trận càn quét của địch, chàng trai trẻ Cao Viễn bị thương và không đủ sức chiến đấu phải trở về địa phương.
|
Hai vợ chồng cụ Cao Viễn và Vũ Thị Hai |
Lúc chàng trai Cao Viễn 23 tuổi, theo phong tục lạc hậu xưa, thầy mợ (trước nơi đây không gọi bằng bố mẹ mà gọi là thầy mợ - PV) của chàng trai đến đặt vấn đề với gia đình cô gái Vũ Thị Hai (18 tuổi). Sau khi hai bên thống nhất, đi đến quyết định dựng vợ, gả chồng.
"Các đôi trai gái không đến với nhau bằng tìm hiểu, yêu đương như bây giờ. Thay vào đó, hai gia đình nội ngoại chủ động đặt vấn đề với nhau, đại loại cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Tôi còn hỏi mấy đứa bạn hấn có đẹp không bay. Lúc về ở với nhau, e thẹn, hai đứa không ngủ chung" - cụ Hai nhớ lại.
Về ở với nhau được 6 tháng, gia đình bên nội bắt hai người ra ở riêng, tự lập tài chính. Cũng kể từ đây, cuộc sống đôi vợ chồng trẻ bắt đầu gặp nhiều khó khăn.
Ngoài mấy sào ruộng bố mẹ chia, trong nhà không còn gì đáng giá. Hai người đành tự bảo nhau, tình thế này bắt buộc bản thân mỗi người tự nỗ lực, chồng đi làm ngói thuê, vợ ở nhà dệt vải kiếm sống. Tình cảm hạnh phúc vợ chồng cũng tăng dần theo thời gian. Rồi lần lượt 8 đứa con ra đời (3 trai, 5 gái, người con thứ 2 qua đời lúc 4 tuổi do bị bệnh - PV).
Đến lúc này thì không thể phận ai nấy lo, người vợ ở nhà lo chăm sóc con cái, chồng rời quê đi làm thuê, hàng tuần gửi tiền về cho vợ chăm sóc con. Cũng vì đông con, kinh tế lại phụ thuộc hết vào chồng nên có những lúc bà phải nhịn miệng nhường con, đi hái những thứ rau cỏ ngoài đồng về làm thức ăn, thậm chí ăn cám và chuối.
Khó khăn là thế nhưng với tâm niệm "hi sinh đời bố củng cố đời con", hai vợ chồng quyết cho con theo học, không để một người nào rơi vào cảnh mù chữ. 7 người con cũng khôn lớn nên người, chính nghị lực của hai vợ chồng khiến người dân trong làng nể phục.
|
106 tuổi, cụ Viễn vẫn đọc báo bình thường |
106 tuổi vẫn tự vào bếp nấu cơm cho vợ
Đến nay, vợ chồng cụ Cao Viễn và cụ Vũ Thị Hai đã có tất cả gần 130 người cháu, chắt, dâu, rể. Con của hai cụ hiện còn 5 người, người ít tuổi nhất cũng đã lên cụ ở tuổi 60. Con bầy cháu đống là thế nhưng hai cụ vẫn thích được ở riêng và tự phục vụ nhau.
Cụ Viễn mắt còn rất sáng, xem ti vi và đọc báo rất rõ mà không phải sử dụng đến kính. Hàng ngày, con gái hai cụ ở gần đảm nhận công tác đi chợ, thức ăn mang về cụ Viễn tự chế biến và nấu nướng theo sở thích của hai ông bà.
"Trước đến với nhau ép duyên, kể từ khi có với nhau đứa con đầu tiên tình cảm vợ chồng chúng tôi mới bắt đầu nảy nở. Cho đến tận bây giờ, cuộc ép duyên này tôi hay nói đùa với ông ấy là "lên nhầm kiệu hoa được chồng như ý" - cụ Hai hài hước.
|
Ngày 16/4/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thiếp mừng thọ cụ Vũ Thị Hai |
Cũng chính vì sự trường thọ và sống hạnh phúc của hai cụ mà nhiều cặp vợ chồng trẻ trong làng phải nhờ hai cụ làm mai mối. Trong làng, trong xã có đám cưới thì hai cụ trở thành khách mời đặc biệt tại hôn trường để nói những lời chúc phúc cho đôi bạn trẻ sống đầu đến bạc răng long.
Sau khi buổi tiệc kết thúc, hai cụ xoa đầu đôi vợ chồng trẻ với ý nghĩa là chúc phúc để họ yêu thương nhau suốt đời, trăm năm hạnh phúc.
Nay tuổi tác hai cụ đã cao, không còn đi lại thuận tiện, có cặp vợ chồng muốn lấy hên đã đến tận nhà hai cụ để được hai cụ làm "thủ tục" chúc phúc trong ngày trọng đại của cuộc đời.
Nói về sự trường thọ, cụ Viễn chia sẻ, không có bí quyết gì đặc biệt. Đã là con người đều phải trải qua các giai đoạn sinh - lão - bệnh - tử.
Tuy nhiên, trong cuộc đời cần vui vẻ, thoải mái, không làm những việc trái với luân thường đạo lý để đầu óc luôn thoải mái, không nghĩ ngợi u sầu sinh bệnh tật.
Nói đoạn cụ tặng chúng tôi bài thơ:
Trước nhà có cây cảnh 3 toa
Sau nhà có cây cổ thụ thật là lưu niên
Ông bà hợp số, hợp duyên
Trời cho trường thọ bách niên giao hòa
Theo VTC News