Tiết lộ dự án "kho vũ khí bay" của Mỹ

Khái niệm "kho vũ khí bay" được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A-xtơn Ca-tơ (Ashton Carter) công bố trong bài phát biểu hồi đầu tháng 2, khi thảo luận kế hoạch ngân sách quốc phòng năm 2017...

Tiết lộ dự án "kho vũ khí bay" của Mỹ
Một chiếc B-52H cùng với lượng vũ khí khổng lồ. Ảnh: National Interest.

Một chiếc B-52H cùng với lượng vũ khí khổng lồ. Ảnh: National Interest.

Hiện dự án đang được Phòng Năng lực Chiến lược (SCO) của Lầu Năm Góc nghiên cứu triển khai, với mục tiêu cải tạo các máy bay ném bom hạng nặng từ thời Chiến tranh Lạnh thành những kho vũ khí trên không, song hành, hỗ trợ các chiến đấu cơ tàng hình, vốn hạn chế về khả năng mang vũ khí. “Khi triển khai, những máy bay mang vũ khí này sẽ giữ vai trò như một băng đạn lớn trên không, kết hợp cùng với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đóng vai trò xác định và chỉ thị mục tiêu”, ông A.Ca-tơ lý giải và cho biết dự án về cơ bản sẽ kết hợp nhiều hệ thống vũ khí sẵn có để tạo thành những năng lực hoàn toàn mới.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Đa-vít A-xi (David Axe) của Daily Beast cho rằng, đây là động thái đúng đắn. Lực lượng không chiến toàn cầu trong tương lai của Mỹ sẽ gồm các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 siêu nhỏ và hiện đại cùng tham chiến với các máy bay ném bom hạng nặng có từ thời Chiến tranh Lạnh. Theo các chuyên gia quân sự, sự kết hợp giữa máy bay tiêm kích tàng hình hiện đại và các máy bay ném bom hạng nặng có thể tạo ra hỏa lực áp đảo mà quân đội Mỹ cần để chiếm ưu thế trước lực lượng không quân đang hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc và Nga.

Một quan chức Lầu Năm Góc đã nói với Aviation Week rằng SCO đang xem xét biến máy bay B-1 hay B-52, hoặc cả hai loại này thành “kho vũ khí bay”, trong đó có nhiều đề xuất trang bị các loại tên lửa không đối không cho những chiếc máy bay vốn chỉ được sử dụng để ném bom này. Ông A-xi cho rằng lợi ích của việc cải tiến này là rất rõ ràng. Quân đội Mỹ hiện có chưa đến 200 máy bay tàng hình, gồm khoảng 180 tiêm kích F-22 của không quân và 10 tiêm kích F-35B của thủy quân lục chiến.

Theo ý tưởng này, các tiêm kích F-22 và F-35 sẽ tận dụng ưu thế tàng hình để xâm nhập chiến trường, phát hiện, chỉ thị mục tiêu cho các máy bay ném bom bay chậm hơn rất nhiều ở khoảng cách an toàn phía sau. Do tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 bay phía trước tìm kiếm mục tiêu mà không bị phát hiện nên các máy bay ném bom B-52 và B-1 không cần thiết phải trang bị công nghệ tàng hình. Tất cả những gì chúng cần là mang theo thật nhiều vũ khí và tấn công các mục tiêu được tiêm kích tàng hình chỉ thị.

Kế hoạch này sẽ tăng cường đáng kể uy lực cho các máy bay ném bom này. Không quân Mỹ hiện có hơn 130 máy bay B-1 và B-52 và có thể mang theo khoảng 35 tấn vũ khí đạn dược mỗi chiếc, nhiều gấp 10 lần lượng vũ khí F-22 hoặc F-35 mang theo. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, hiện Lầu Năm Góc chưa xác định sẽ chọn mẫu máy bay nào để cải tạo thành những “kho vũ khí bay”. Ngoài B-1 và B-52, những chiếc máy bay vận tải lớn như C-130 Hercules, C-17 Globemaster đều có thể được xem xét.

Ý tưởng về những “kho vũ khí bay” thực chất không mới. Trong những năm 90, Hải quân Mỹ từng có ý định đóng những “kho vũ khí nổi”, sử dụng các tàu chiến lớn mang theo lượng lớn tên lửa cùng ống phóng. Những tàu này sẽ nhận thông tin về mục tiêu từ các chiến hạm nhỏ hơn. Dù vậy chương trình này sau đó bị hủy bỏ. Theo ông A.Ca-tơ, sáng kiến này là một phần trong cái gọi là Chiến lược phản đòn thứ ba, sẽ không chỉ dựa vào những công nghệ quân sự mới để bảo đảm ưu thế trong các cuộc xung đột ở tương lai, mà còn tập trung vào phối hợp công nghệ cũ và mới, cũng như các phương pháp chiến tranh hiện đại và truyền thống. “Không có gì phải hoài nghi rằng Chiến lược phản đòn thứ ba có mục tiêu chủ yếu là xóa nhòa những tiến bộ gần đây về công nghệ quân sự mà Trung Quốc và Nga đã đạt được. Lầu Năm Góc xem cả hai quốc gia này nằm trong nhóm 5 thách thức chiến lược mà Mỹ phải tập trung ứng phó trong năm tài chính mới”, người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố.

Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề là SCO vẫn chưa xác định được phương thức kết nối giữa tiêm kích tàng hình và máy bay ném bom hạng nặng. Việc giao tiếp với tiêm kích tàng hình cần được tiến hành từ xa giống với tín hiệu radio được mã hóa tinh vi mà quân đội Mỹ gọi là "liên kết dữ liệu". "Công nghệ kết nối truyền dữ liệu thông tin mục tiêu giữa hai máy bay để khai hỏa chính xác hiện gặp nhiều khó khăn", nhà sử học không quân Mỹ Brai-ân La-xli (Brian Laslie) nói.

Dù vậy, Đ.Đếp-tu-la (D.Deptula), một sĩ quan tình báo hàng đầu của không quân Mỹ đã nghỉ hưu, tán dương ý tưởng "kho vũ khí bay" và cho rằng các máy bay ném bom từ trước đến nay vẫn có thể phát huy đóng vai trò lớn hơn, để đạt được điều này cần đổi mới tư duy, thay đổi quan niệm lỗi thời cho rằng một máy bay chỉ có thể thực hiện chức năng và nhiệm vụ đơn lẻ. Ông Đ.Đếp-tu-la bày tỏ tin tưởng Mỹ có thể vượt qua được rào cản công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng này.

Theo Tiền phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ